(FDI Việt Nam) – Các ngân hàng Việt Nam đẩy mạnh chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đáp ứng chuẩn Basel III và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Gần đây, các ngân hàng tại Việt Nam tích cực triển khai việc chia cổ tức, đặc biệt dưới hình thức cổ phiếu, với mục tiêu tăng vốn điều lệ, củng cố năng lực tài chính, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn quốc tế như Basel III, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Xu hướng này trở nên sôi động từ đầu tháng Ba, khi nhiều ngân hàng công bố kế hoạch phân phối lợi nhuận và phát hành cổ phiếu trong kỳ Đại hội đồng cổ đông.

tăng vốn điều lệ
Để tăng vốn điều lệ, nhiều ngân hàng dồn dập chia cổ phiếu khủng – Ảnh: Vietnam+

Tăng vốn dồn dập

Vietcombank dự kiến sử dụng toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2023, khoảng hơn 22.770 tỷ đồng, để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Đợt phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ 49,5% này sẽ giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 55.891 tỷ đồng lên hơn 83.557 tỷ đồng. Đây cũng là đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu có tỷ lệ cao nhất trong lịch sử Vietcombank, vượt xa mức 35% từng thực hiện vào năm 2016.

Tương tự, VietinBank dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận sau thuế, trích các quỹ và chia cổ tức tiền mặt giai đoạn 2009 – 2016.

Theo phương án này, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ từ 53.700 tỷ đồng lên 77.671 tỷ đồng thông qua phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ 44,64%. Tỷ lệ cụ thể sẽ được xác định theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho cổ đông hiện hữu.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến phát hành riêng lẻ 123,8 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong quý 1/2025 với mức giá 38.800 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động hơn 4.803 tỷ đồng. Nếu thương vụ thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ vượt mốc 70.200 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng tham gia vào cuộc đua tăng vốn khi dự kiến phát hành gần 796 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15%, giúp nâng vốn điều lệ từ 53.063 tỷ đồng lên khoảng 61.022 tỷ đồng. Bên cạnh đó, MB còn lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 62 triệu cổ phiếu để huy động thêm 620 tỷ đồng vốn.

Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đã thông báo chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11% từ lợi nhuận năm 2023, giúp nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) dự kiến phát hành hơn 343 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 25%, qua đó tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.281 tỷ đồng, từ 13.736 tỷ đồng lên 18.007 tỷ đồng.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt đang ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến, vì nó không chỉ giúp ngân hàng giữ lại nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ và mở rộng tín dụng, mà còn nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR), hỗ trợ nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn kinh tế phục hồi.

Đây cũng là phương án giúp các ngân hàng cân bằng giữa lợi ích của cổ đông và chiến lược phát triển lâu dài, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước khuyến khích việc tăng vốn để củng cố nền tảng tài chính của hệ thống ngân hàng.

tăng vốn điều lệ
Vietcombank dự kiến phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. – Ảnh: Vietnam+

Với thông tin cập nhật và các kế hoạch đã được công bố, Vietcombank hiện đang là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất. Tuy nhiên, cuộc đua về vốn điều lệ giữa các ngân hàng lớn tại Việt Nam vẫn đang diễn ra rất sôi nổi, và thứ hạng có thể thay đổi tùy vào tiến độ thực hiện các kế hoạch phát hành cổ phiếu.

Một ví dụ điển hình là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng đã từng giữ vị trí dẫn đầu với vốn điều lệ khoảng 79.639 tỷ đồng vào năm 2024 sau khi hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

Tuy nhiên, nếu VPBank không thực hiện thêm đợt tăng vốn đáng kể trong đầu năm 2025, ngân hàng này có thể bị Vietcombank và VietinBank vượt qua trong cuộc đua này.

Áp lực tiếp tục gia tăng

Mục đích của việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng là nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn vốn như giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), một chỉ số quan trọng để đảm bảo ngân hàng có đủ năng lực tài chính chống chịu rủi ro.

Điều này đặc biệt cần thiết khi các ngân hàng phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như Basel III, vốn yêu cầu mức vốn tối thiểu cao hơn để bảo vệ hệ thống tài chính trước các cú sốc kinh tế.

Các chuyên gia nhận định rằng, khi ngân hàng có vốn điều lệ lớn hơn, họ sẽ có thể tăng giới hạn cho vay, mở rộng tín dụng và đầu tư vào các dự án quy mô lớn.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng nội và sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức tài chính quốc tế, việc sở hữu vốn điều lệ cao giúp ngân hàng nâng cao uy tín, củng cố vị thế trên thị trường và tạo ra cơ hội để đầu tư vào công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó thu hút thêm khách hàng.

Bên cạnh đó, việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức thay vì chi trả tiền mặt không chỉ giúp ngân hàng giữ lại nguồn tiền để tái đầu tư mà còn mang lại giá trị cho cổ đông bằng cách tăng số lượng cổ phần mà họ sở hữu. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngân hàng cần duy trì thanh khoản và chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

tăng vốn điều lệ
Vốn điều lệ lớn hơn cho phép ngân hàng tăng giới hạn cho vay, mở rộng tín dụng và đầu tư vào các dự án lớn. – Ảnh: Vietnam+

Việc nâng vốn điều lệ không chỉ là yêu cầu tuân thủ quy định và bảo vệ an toàn tài chính mà còn là một chiến lược dài hạn để nâng cao sức mạnh nội tại và hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngân hàng trong bối cảnh kinh tế và công nghệ đang thay đổi với tốc độ chóng mặt.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV, cũng đã nhấn mạnh rằng đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, yếu tố quan trọng nhất để phục vụ nền kinh tế là năng lực tài chính.

Với mục tiêu tăng trưởng cung ứng vốn cho nền kinh tế lên tới 16% và có thể vượt mức này trong tương lai gần, các ngân hàng thương mại cần đảm bảo vốn tự có tăng trưởng tương ứng để đáp ứng yêu cầu này.

“Các ngân hàng lớn khu vực ASEAN đã áp dụng tiêu chuẩn Basel III, còn chúng ta chưa áp dụng đồng bộ. Đây là áp lực rất lớn với các ngân hàng thương mại để phục vụ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, nhưng vừa phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu theo thông lệ quốc tế. Chúng tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chủ trương cho các ngân hàng thương mại giữ lại lợi nhuận để lại để tăng vốn điều lệ như trước đây,” lãnh đạo BIDV bày tỏ.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định rằng mặc dù các ngân hàng Việt Nam đang đẩy mạnh việc tăng vốn, nhưng hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn) của các ngân hàng Việt vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong khu vực.

Đối với các ngân hàng thương mại, việc tăng vốn điều lệ không chỉ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel III mà còn là bước đi chiến lược để nâng cao khả năng cạnh tranh, cải thiện khả năng ứng phó với các rủi ro, cũng như củng cố năng lực tài chính trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động.

“Hiện nay, chỉ một số ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn về an toàn vốn theo Basel III, do đó, phần lớn ngân hàng đang đối mặt với áp lực tăng vốn trong những năm tiếp theo,” ông Cấn Văn Lực nhận định.

Cùng với quan điểm của Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nhấn mạnh rằng ngoài việc tăng vốn để cải thiện năng lực tài chính khi hệ số CAR có dấu hiệu suy giảm, mục tiêu quan trọng của các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay là giải quyết tình trạng nợ xấu đang gia tăng nhanh chóng.

Ông Huân cho rằng việc tăng vốn điều lệ thông qua việc giữ lại lợi nhuận là một chiến lược hợp lý, không chỉ giúp các ngân hàng cải thiện sức mạnh tài chính mà còn tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông, khi giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng đáng kể trong thời gian qua.

Nguồn: Vietnam+

All in one