(FDI Việt Nam) – Việc cải thiện nguồn cung trên thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ giúp làm dịu tình hình, góp phần hạ nhiệt giá nhà ở.
Một trong những lý do khiến giá nhà ở, đặc biệt là phân khúc chung cư, tăng mạnh trong hơn một năm qua là sự khan hiếm nguồn cung do nhiều dự án bị đình trệ vì vướng mắc pháp lý.
Tuy nhiên, với việc hành lang pháp lý mới đang dần được hoàn thiện và đi vào thực tế, cùng với sự tham gia mạnh mẽ từ hệ thống chính trị, thị trường bất động sản đã có sự khởi sắc.
Nguồn cung trở nên phong phú hơn, thể hiện qua hàng loạt dự án mới được khởi công và những dự án cũ được tái khởi động trên toàn quốc từ đầu năm 2025. Việc gia tăng nguồn cung này được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt giá nhà ở, đặc biệt là phân khúc chung cư, mang lại sự ổn định cho thị trường.

Nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách và quyết tâm của Chính phủ, hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã được khởi công xây dựng với cam kết rõ ràng về tiến độ. Dự báo, nhà ở xã hội sẽ trở thành điểm sáng và là phân khúc chủ lực trên thị trường bất động sản trong năm 2025, bởi so với nhu cầu thực tế, số lượng dự án ra mắt vẫn còn thiếu hụt rất nhiều, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định rằng sự xuất hiện của nhiều dự án nhà ở xã hội giá rẻ sẽ làm giảm mặt bằng giá nhà ở, đưa mức giá nhà ở về gần hơn với khả năng chi trả của người dân có nhu cầu ở thực. Khi giá nhà ở “hạ nhiệt”, người có thu nhập trung bình sẽ có nhiều cơ hội hơn để sở hữu.
Tại Hà Nội, người thu nhập thấp đang háo hức chờ đón cơ hội sở hữu nhà tại các dự án nhà ở xã hội vừa mới được khởi công, đặc biệt là một số dự án dự kiến có mức giá nhà ở bán dưới 20 triệu đồng/m2. Điều này mở ra cơ hội lớn hơn cho những người thu nhập thấp trong việc sở hữu nhà ở.
Chẳng hạn, dự án nhà ở xã hội Thăng Long Green City tại Khu đô thị mới Kim Chung (Đông Anh), được khởi công vào đầu tháng 3, có giá bán khoảng 18,4 triệu đồng/m2, bao gồm thuế giá trị gia tăng 5% và phí bảo trì 2%.
Với mức giá này, căn hộ có diện tích 49,8 m2 có giá dao động khoảng 916 triệu đồng, trong khi căn hộ lớn nhất có diện tích 64 m2 có giá hơn 1,2 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 4/2026, mở ra cơ hội sở hữu nhà cho nhiều người thu nhập thấp tại Hà Nội.
Tương tự, dự án chung cư cao tầng CT2A thuộc Khu nhà ở Thạch Bàn (Long Biên), do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, đã chính thức mở đợt tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội sau 5 năm cho thuê.
Trong đợt mở bán này, dự án cung cấp 82 căn hộ có diện tích từ 69,03 – 69,94 m2, với giá tạm tính 12,3 triệu đồng/m2, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng 5% nhưng chưa tính phí bảo trì 2%.
Hay một trong những dự án đang được nhiều người mơ ước sở hữu là nhà ở xã hội UDIC Eco Tower Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) khởi công cuối năm 2024 với mức giá tạm tính khoảng 25 triệu đồng/m2.
Các chuyên gia nhận định rằng năm 2025 sẽ là thời điểm đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều phân khúc trong thị trường bất động sản, và yếu tố quyết định chính là thành công của các đợt mở bán các dự án mới.
Điều này không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và ổn định của toàn ngành bất động sản.
Không chỉ phân khúc nhà ở xã hội “nở rộ”, mà các dự án cao cấp cũng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ thị trường ngay khi vừa ra mắt. Một ví dụ điển hình là tại Hà Nội, Vinhomes tiếp tục dẫn đầu thị trường khi mở bán dự án Vinhomes Wonder Park tại Đan Phượng, ngay sau đợt “sốt” tại Đông Anh.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác như Đất Xanh, Nam Long, và Khang Điền cũng nhanh chóng tham gia vào cuộc đua, mở rộng nguồn cung ở phân khúc trung cấp. Trong khi đó, Phát Đạt tập trung vào các dự án đất nền và nhà phố, và Hoàng Huy đặt kỳ vọng vào xu hướng đô thị hóa nhanh chóng tại Hải Phòng.
Tại khu vực phía Nam, thị trường không kém phần sôi động với hàng loạt dự án lớn được tái khởi động. Đặc biệt, khu Đông TP Hồ Chí Minh thu hút sự chú ý khi dự án Dat Xanh Homes Riverside (TP Thủ Đức) của Đất Xanh Group được tái khởi động sau thời gian dài trì hoãn.
Khu vực lân cận TP Hồ Chí Minh, như Bình Dương và Đồng Nai, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng công bố kế hoạch tái khởi động nhiều dự án bất động sản quy mô lớn.
Nổi bật trong đó là Dự án New Galaxy tại Thành phố Dĩ An, dự kiến sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào đầu năm 2026. Cũng không kém phần quan trọng, dự án Lavita Thuận An với 4 block chung cư và hơn 2.400 căn hộ sẽ tiếp tục được xây dựng sau thời gian trì hoãn.
Cùng với đó, Tập đoàn Hưng Thịnh đã khởi động lại dự án Bien Hoa Universe Complex tại Đồng Nai sau gần 3 năm đình trệ. Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng tại Đồng Nai khi hoàn thành vào năm 2026.
Tại miền Trung, thị trường Đà Nẵng vẫn là điểm sáng khi gần đây các quy hoạch “chưa từng có tiền lệ” được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, dự án Khu thương mại tự do (FTZ) đầu tiên của Việt Nam đang thu hút sự chú ý.
Với các chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp dự kiến được áp dụng, FTZ Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ thu hút hàng loạt công ty trong và ngoài nước, từ đó kéo theo nhu cầu về nhà ở, văn phòng và dịch vụ đi kèm.
Cũng đáng chú ý là dự án Cảng biển nước sâu Liên Chiểu với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, công suất xử lý 50 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sẽ giúp nâng cao năng lực logistics cho Đà Nẵng và biến thành phố này thành cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đặc biệt, với định hướng đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực, thành phố này đang tự tin đặt mục tiêu thu hút các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng lớn và quỹ đầu tư, đồng thời phát triển các khu đô thị thông minh, hiện đại.
Đánh giá về sự chuyển động mạnh mẽ của thị trường bất động sản hiện nay, bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc cấp cao bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, có nhiều yếu tố tích cực thúc đẩy sự phát triển, bao gồm các sửa đổi trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng với các văn bản hướng dẫn kịp thời.
Ngoài ra, bảng giá đất đã được ban hành và áp dụng cho năm 2025 tại nhiều đô thị lớn, cộng với sự dồn nén cầu của thị trường trước đây đang dần được giải tỏa với nhiều sản phẩm mới, hợp lý với giá trị và khả năng tài chính. Bà Hằng cũng chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông trên khắp cả nước đang tạo ra sức hút lớn cho thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, khi nhiều dự án và nguồn cung mới được đưa ra, thị trường sẽ thay đổi cấu trúc sản phẩm hiện có theo hướng cân bằng hơn giữa các dòng sản phẩm.
Một khi thị trường có nhiều sự lựa chọn và bảng giá nhà ở rõ ràng, mặt bằng giá sẽ được điều chỉnh về mức hợp lý, phản ánh đúng giá trị thực, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững cho thị trường bất động sản trong tương lai.
Nguồn: TTXVN