(FDI Việt Nam) – Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo đề xuất phương án sáp nhập, trong đó 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước được giữ nguyên hiện trạng.

Các đơn vị hành chính không tiến hành sáp nhập

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng.

Theo đó, 11 địa phương gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh được giữ nguyên hiện trạng. Trong khi đó, 52 địa phương còn lại, bao gồm 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, thuộc diện phải sắp xếp.

sáp nhập các đơn vị hành chính
Cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng, trong đó có Hà Nội – Ảnh minh họa.

Cơ quan soạn thảo cho biết việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã sẽ dựa trên nhiều tiêu chí quan trọng, bao gồm: diện tích tự nhiên, quy mô dân số, yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc, địa kinh tế, địa chính trị, quốc phòng và an ninh. Đặc biệt, tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số được xác định theo Nghị quyết số 1211 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính.

Dự thảo Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh quy định rõ ba tiêu chuẩn bắt buộc: diện tích, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện. Cụ thể, các tỉnh miền núi, vùng cao phải có diện tích từ 8.000 km², dân số 0,9 triệu người; các tỉnh còn lại cần diện tích 5.000 km², dân số 1,4 triệu người.

Đối với thành phố trực thuộc Trung ương, tiêu chuẩn là 1.500 km² diện tích và một triệu dân. Bên cạnh đó, tất cả các tỉnh, thành phố đều phải có từ 9 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.

Các tỉnh, thành phố chưa đạt 100% tiêu chuẩn đơn vị cấp tỉnh theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính thì phải sáp nhập.

Việc sáp nhập các tỉnh được thực hiện dựa trên các nguyên tắc đảm bảo sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, truyền thống và đặc trưng dân tộc, nhằm duy trì sự gắn kết cộng đồng và gìn giữ bản sắc địa phương.

Đồng thời, các tỉnh được sáp nhập phải có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông và không gian kinh tế phù hợp, tạo cơ hội phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự phát triển bền vững sau khi sáp nhập.

Bên cạnh các yếu tố văn hóa, lịch sử và địa lý, quá trình sáp nhập các tỉnh còn dựa trên trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền, cũng như mức độ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực hải đảo và vùng biên giới là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Theo dự kiến, sau khi sáp nhập, các tỉnh ghép với nhau sẽ tiếp tục được gọi là tỉnh, trong khi các tỉnh sáp nhập vào thành phố trực thuộc Trung ương vẫn giữ nguyên tên gọi là thành phố trực thuộc Trung ương.

Cả nước còn dưới 3000 đơn vị hành chính cấp xã

Bộ Nội vụ dự kiến sẽ sắp xếp 9.996 trong tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã, nhằm giảm xuống còn khoảng dưới 3.000 đơn vị.

Các đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 300% so với tiêu chuẩn quy định trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải tiến hành sắp xếp.

Quá trình sáp nhập cần xem xét cẩn trọng các yếu tố đặc thù như lịch sử, văn hóa, truyền thống, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, cũng như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên kết tiểu vùng và vùng tỉnh, cùng với quy mô và trình độ phát triển kinh tế.

sáp nhập các đơn vị hành chính
Quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã cần xem xét các yếu tố quan trọng một cách cẩn thận. – Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập phải bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, đồng thời chú trọng hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Khi sáp nhập từ bốn đơn vị hành chính cấp xã trở lên, tiêu chuẩn về diện tích và dân số sẽ không còn là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, mục tiêu chính của việc sắp xếp là giảm từ 70-75% số lượng đơn vị cấp xã so với hiện tại.

Thay đổi này hướng đến việc tái cơ cấu chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (tỉnh – xã) thay vì ba cấp (tỉnh – huyện – xã) như hiện nay, nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý.

Việc sáp nhập các xã sẽ tuân theo nguyên tắc giữ nguyên trạng các đơn vị hành chính hiện có, đồng thời cho phép sáp nhập xã thuộc huyện này vào xã của huyện khác. Sau sáp nhập, xã ghép với xã sẽ tiếp tục được gọi là xã, trong khi xã ghép với phường sẽ giữ tên gọi là phường.

Các địa phương được chủ động lựa chọn tên gọi mới, tuy nhiên, Trung ương khuyến khích đặt tên theo đơn vị cấp huyện trước khi sắp xếp, kèm theo số thứ tự để thuận tiện cho quá trình số hóa và cập nhật dữ liệu.

Theo Bộ Nội vụ, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ được triển khai theo lộ trình đã được Bộ Chính trị phê duyệt. Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện các quy trình chính trị và pháp lý cần thiết để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho việc chấm dứt hoạt động của cấp huyện.

Nguồn: VN Express

All in one