(FDI Việt Nam) Không chỉ tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư cũng đang được tăng tốc, nhằm khơi thông nguồn lực và đưa dòng vốn nhanh chóng vào nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng.

ĐIỂM MẶT CÁC ĐƠN VỊ CHẬM TRỄ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30/4/2025 ghi nhận những chuyển biến tích cực, với tổng giá trị thanh toán ước đạt 128.500 tỷ đồng, tương đương 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm 2024 (110.500 tỷ đồng), giá trị giải ngân tuyệt đối đã tăng. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ giải ngân thì vẫn thấp hơn so với mức 16,64% của cùng kỳ năm ngoái.

“So với 3 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân tháng 4 nhìn chung đã được cải thiện”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Đúng là so với tỷ lệ giải ngân cả nước trong 3 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, bên cạnh 10/47 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân tích cực, thì vẫn còn một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí rất thấp.

vốn đầu tư kinh tế
Giờ đã là thời điểm để các địa phương phải quyết liệt, rốt ráo hơn trong giải ngân vốn đầu tư công – Ảnh minh họa.

Trong nhóm các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 5%, có thể “điểm danh” các bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế, rồi Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM… Trong khi đó, nhóm 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% có thể kể đến Khánh Hòa, Cao Bằng, Bình Dương, Đồng Nai…

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 4/2025, vẫn còn 8.300 tỷ đồng từ 17 bộ, ngành và 21 địa phương chưa được phân bổ chi tiết. Đây là khoản vốn đã được “gia hạn”, còn nếu tính đến ngày 15/3 – thời điểm các bộ, ngành và địa phương phải hoàn tất phân bổ, nếu không sẽ chịu trách nhiệm và bị điều chuyển vốn – thì tổng số vốn chưa phân bổ lên tới hơn 52.000 tỷ đồng, với 19 bộ, ngành và 31 địa phương chưa hoàn tất việc phân bổ.

vốn đầu tư
Nhiều địa phương chưa hoàn thành việc phân bổ vốn tính đến tháng 4/2025 – Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, trong nửa cuối tháng 3/2025, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực phân bổ thêm 43.834 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều dự án quan trọng đã được cấp vốn trong đợt này, như Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây, Dự án Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2), và Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Việc bổ sung vốn kịp thời cho các dự án này sẽ thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Giải thích về tình trạng chậm phân bổ, Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân chủ yếu là do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa đầy đủ và chưa quyết liệt trong chỉ đạo của các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, một số vấn đề khách quan như sự cần thiết phải rà soát, điều chỉnh chủ trương đầu tư và sự phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách địa phương cũng góp phần vào sự chậm trễ này.

NHANH CHÓNG “BƠM VỐN” VÀO NỀN KINH TẾ

Mặc dù còn tới 9 tháng để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả tháng 1/2026, do niên hạn ngân sách kết thúc vào ngày 31/1/2026), nhưng thời điểm hiện tại, các địa phương cần phải hành động quyết liệt và khẩn trương hơn trong việc giải ngân.

Với tổng ngân sách đầu tư công được Quốc hội phê duyệt năm nay lên tới 829.365 tỷ đồng, sau 4 tháng, chỉ mới có 128.500 tỷ đồng được giải ngân, nghĩa là vẫn còn hơn 700.865 tỷ đồng cần được đưa vào nền kinh tế. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu giải ngân 100% vốn kế hoạch năm, đặt ra một nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân. Đồng thời, ông chỉ đạo xử lý nghiêm các bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ hết vốn vào ngày 15/3/2025.

Biện pháp quyết liệt này kỳ vọng sẽ thúc đẩy các bộ, ngành và địa phương tích cực hơn trong việc phân bổ số vốn còn lại, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Hiện, Bộ Xây dựng cùng các địa phương đang tập trung triển khai các dự án trọng điểm quốc gia như các tuyến cao tốc Bắc – Nam và các tuyến vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM.

Mục tiêu là hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025, trong đó các dự án đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025 đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cuối năm nay.

Khi các dự án trọng điểm đó được đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn. Cùng với “thúc” tiến độ các dự án trọng điểm, các đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đang tiếp tục đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Ít ngày trước đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương thuộc trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác số 2.

Tính đến cuối tháng 4/2025, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành và địa phương thuộc Tổ công tác số 2 chỉ đạt 15,41% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với mức giải ngân trung bình của cả nước. Trong đó, TP. Hà Nội, với số vốn đầu tư lớn, chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 14,5%.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã bày tỏ sự lo ngại và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chậm phân bổ và giải ngân phải báo cáo rõ nguyên nhân, dù là do khách quan hay chủ quan. Những đơn vị không có lý do hợp lý sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội cần chủ động và quyết liệt hơn trong việc tháo gỡ khó khăn, đặc biệt đối với những vấn đề đã được chỉ đạo trước đó, nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Đồng thời, công tác rà soát và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư kéo dài vẫn đang được tích cực triển khai. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã hoàn tất việc rà soát và hiện đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội để tháo gỡ vướng mắc cho hơn 2.200 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha.

Nguồn: Báo đầu tư

All in one