(FDI Việt Nam) – Việc thành lập và phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của thành phố cảng. Không chỉ mở ra không gian phát triển mới, khu kinh tế này còn trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Hải Phòng. 

khu kinh tế ven biển phía nam
Sơ đồ khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

THÀNH LẬP KHU KINH TẾ VEN BIỂN PHÍA NAM HẢI PHÒNG

Ngày 4/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1511/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Việc thành lập khu kinh tế này không chỉ đơn thuần là mở rộng không gian phát triển, mà còn là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Hải Phòng trên hành trình thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Hải Phòng sẽ trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, phát triển bền vững, có tầm ảnh hưởng khu vực Đông Nam Á và trở thành trung tâm logistics quốc tế kết nối đa phương thức: đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao.

Phát biểu tại lễ trao quyết định, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: việc hình thành Khu kinh tế ven biển phía Nam là minh chứng cho bước khởi đầu của một thời kỳ phát triển mới, mở ra giai đoạn tăng trưởng đột phá cho Hải Phòng. Ông nhấn mạnh, Hải Phòng đã là trung tâm kinh tế lớn, thì tương lai sẽ còn “trung tâm hơn”; đã tiêu biểu, thì sẽ càng nổi bật hơn, để xứng đáng là thành phố tiên phong trong công cuộc chuyển đổi.

khu kinh tế ven biển
Phối cảnh khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có tổng diện tích quy hoạch khoảng 20.000 ha, trong đó gần 2.909 ha là đất lấn biển, nằm tại khu vực phía Đông Nam của thành phố Hải Phòng. Với vị trí chiến lược là cửa ngõ quốc tế, khu kinh tế được định hướng phát triển trở thành trung tâm công nghiệp – dịch vụ cảng biển hiện đại, kết nối hiệu quả với các vùng kinh tế lân cận cũng như mạng lưới giao thương quốc tế.

Mục tiêu phát triển của khu kinh tế không chỉ là khai thác lợi thế địa lý và nền tảng công nghiệp sẵn có, mà còn kết hợp hài hòa giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo tồn hệ sinh thái biển, giá trị văn hóa – lịch sử, và thúc đẩy an sinh xã hội.

Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ được xây dựng theo mô hình tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, hướng tới tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Trọng tâm sẽ là các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển, và logistics hiện đại.

Đây sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế chủ lực của Hải Phòng, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, và đặc biệt là khu thương mại tự do được vận hành theo cơ chế, chính sách đột phá, học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới.

Trong tương lai, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ là trung tâm kinh tế biển có vai trò tiên phong, có chức năng tương hỗ, kết nối với các khu kinh tế ven biển khác, tạo động lực phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng.

KẾT NỐI VÙNG RỘNG LỚN

Hải Phòng có vị trí chiến lược, là cửa ngõ ra biển của miền Bắc, nằm trong vùng động lực tăng trưởng phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), thuộc Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh;

Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình. Việc xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam không chỉ riêng cho Hải Phòng, mà còn tạo sự liên kết phát triển vùng, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tận dụng tối đa lợi thế vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông kết nối vùng.

Ngày 28/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 187/2025/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Việc triển khai Dự án có ý nghĩa tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Hải Phòng nói riêng và mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội nói chung, góp phần từng bước phát triển giao thông – vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ. Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững đúng như mục tiêu Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị.

Hiện nay, tuyến đường ven biển đi xuyên qua Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng đang dần được hình thành, đóng vai trò là trục giao thông huyết mạch thúc đẩy kết nối nội vùng. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng cũng đang được quy hoạch hoàn thiện trước năm 2030, tạo thành mạng lưới hạ tầng chiến lược kết nối liên vùng hiệu quả.

Cùng với cảng biển, đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy nội địa dần hiện hữu, tiềm năng của Khu kinh tế ven biển phía Nam càng được nhân lên gấp bội khi được đặt trong tổng thể phát triển hạ tầng đồng bộ và mang tầm vóc quốc tế.

Việc hình thành đồng thời với các siêu dự án như Cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng, hệ thống Cảng nước sâu Nam Đồ Sơn – cửa ngõ và trung chuyển quốc tế, cùng với ý tưởng tiên phong về việc thành lập một khu thương mại tự do với các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, sẽ tạo nên một tổ hợp phát triển công nghiệp – dịch vụ – đô thị hiện đại bậc nhất.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho rằng: “Tổ hợp này hứa hẹn tạo ra lực hấp dẫn đầu tư chưa từng có, đặc biệt nhằm vào các dự án công nghệ cao, trung tâm R&D, ngành công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics thông minh và các lĩnh vực kinh tế biển tiên tiến dựa trên nền tảng số và bền vững”.

Nguồn: Báo đầu tư

All in one