Niềm vui từ dự án tỷ USD
Ít ngày trước đây, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, với tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD, đã chính thức được vận hành thương mại. Việc dự án này đi vào hoạt động không chỉ giúp cung cấp thêm khoảng 7,8 tỷ kWh điện/năm lên lưới điện quốc gia, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ sản xuất – kinh doanh, mà còn khiến các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài vui mừng.
Đã từ lâu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiếm có dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn nào được đưa vào hoạt động. Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 do nhóm các doanh nghiệp Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO, 50%), Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản, 40%) và Công ty Điện lực Tohuku (Nhật Bản, 10%) đầu tư. Bắt đầu triển khai từ tháng 7/2018, sau 4 năm xây dựng, Dự án đã hoàn thành, với 2 tổ máy có công suất thiết kế 1.330 MW.
Chính ông Hirohide Sagara, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Nghi Sơn 2 chia sẻ rằng, quá trình triển khai dự án đã gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan chức năng để có thể hoàn thành và đưa nhà máy vào vận hành thương mại.
Việc Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đi vào hoạt động đã góp phần không nhỏ giúp giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt con số tích cực trong thời gian qua, đặc biệt là 8 tháng đầu năm nay.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 8 tháng, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 3 điểm phần trăm so với 7 tháng. 12,8 tỷ USD có thể coi là con số “kỷ lục”, so với ngay cả trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra.
8 tháng năm 2016, các dự án đầu tư nước ngoài giải ngân được 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Con số của 8 tháng các năm từ 2017 trở lại đây lần lượt là 10,3 tỷ USD; 11,25 tỷ USD; 11,96 tỷ USD; 11,35 tỷ USD và 11,58 tỷ USD. Xét cả quá trình như vậy, rõ ràng, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong 8 tháng qua là rất tích cực.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã nói rằng, các doanh nghiệp “đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh”.
Việc Việt Nam mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế đã góp phần quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài tăng tốc triển khai các dự án của mình. Mà không chỉ là Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, còn nhiều dự án khác cũng đang được triển khai.
Chẳng hạn, Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung tại Hà Nội dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Các khoản tăng vốn của Samsung, trị giá hơn 2 tỷ USD ở Thái Nguyên và TP.HCM cũng sẽ sớm được đưa vào thực hiện.
Tương tự, Dự án của LG Display tại Hải Phòng, hay Goertek ở Bắc Ninh, Nghệ An… cũng sẽ sớm hoàn thành quá trình đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Yoshinaga Kazuyoshi, Tổng giám đốc Goertek Vina cho biết, Công ty đang nỗ lực hoàn thiện các phần việc cuối cùng để có thể đưa nhà máy ở Nghệ An vào hoạt động trong đầu năm 2023.
Cùng với đó, dự án hơn 1,3 tỷ USD của LEGO cũng dự kiến triển khai vào nửa cuối năm nay để có thể bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024.
Như vậy, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân sẽ tiếp tục xu hướng tích cực trong thời gian tới.
Kỳ vọng sự cải thiện của vốn đăng ký mới
Trên thực tế, vốn giải ngân mới là con số quan trọng nhất, bởi đó là dòng vốn thực đưa vào nền kinh tế, qua đó tạo thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu vốn đăng ký mới suy giảm thì sẽ ảnh hưởng đến vốn giải ngân trong những giai đoạn sau.
Chính vì vậy, thời gian gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những cảnh báo về việc Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội từ dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, nên vốn đầu tư đăng ký mới chưa phục hồi trở lại, quay về như thời điểm trước Covid-19.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 8 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần tăng lần lượt là 50,7% và 3,6%, chỉ có vốn đăng ký mới giảm 43,9% so với cùng kỳ, đạt trên 6,35 tỷ USD.
Vốn đăng ký mới giảm, song điểm tích cực là số dự án đầu tư mới đang tăng lên theo từng tháng kể từ đầu năm và đạt mức cao nhất trong tháng 8. Nhờ vậy, số dự án đăng ký mới của 8 tháng năm nay bằng với 8 tháng năm ngoái: 1.135 dự án.
Như vậy, việc vốn đăng ký mới giảm chủ yếu là do 8 tháng qua không có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn trên 100 triệu USD, như cùng kỳ năm 2021. Riêng các dự án quy mô lớn đã chiếm tới 62,3% tổng vốn đăng ký mới của 8 tháng năm 2021.
Đặc biệt, năm ngoái còn có các dự án tỷ USD như Nhà máy điện LNG Long An I và II, vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD; Nhiệt điện Ô Môn II, 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, 8 tháng năm 2022, chỉ có số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và tổng vốn đầu tư của các dự án này chỉ chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư của 8 tháng.
Thêm nữa, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới trong các tháng cuối năm 2021, nên ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022.
Khi các chuyến bay đưa các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam nhiều hơn, thì các cam kết mới cũng sẽ sớm được đưa ra. Gần đây, đoàn các doanh nghiệp Ấn Độ đã tới tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Trước đó, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tới Việt Nam… Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và coi là “bến đỗ” an toàn và lâu dài của mình.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhiều lần khẳng định, muốn đón đầu được dòng vốn đầu tư dịch chuyển, Việt Nam cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực đất đai, nhân lực, hạ tầng…, đồng thời tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
>> Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sang Anh phải dãn nhãn UKCA