Cần tăng tốc phát triển nhưng cũng vẫn phải đảm bảo tính bền vững, châu Á đang đối mặt áp lực kép trong bối cảnh ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

1. Đài Loan

Bộ Tài chính Đài Loan cân nhắc việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân vào năm 2024 để góp phần giảm khó khăn cho người dân, theo cơ chế giảm thuế tích hợp, Đài Loan có thể xem xét miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân khi CPI vượt qua mức 3%. Trong quý I, CPI của Đài Loan đã ở mức 4,1%, mức cao nhất trong 5 năm qua.

Thị trường bất động sản Đài Loan đang bước vào chu kì giảm nhiệt khi mức giao dịch trung bình hàng tháng đã giảm 15,5%, mức thấp nhất trong 7 năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cho thấy các biện pháp giảm nhiệt thị trường bất động sản của Đài Loan vào năm ngoái đang cho thấy hiệu quả tích cực nhằm tiến tới một thị trường ổn định và vững mạnh hơn.

Truyền thông Đài Loan dẫn nguồn từ báo chí Đức cho biết các đàm phán của tập đoàn TSMC với EU về việc đầu tư nhà máy sản xuất chip đang tiến triển tốt đẹp, dự kiến TSMC sẽ công bố chi tiết kế hoạch này vào tháng 8 tới. Dự kiến nhà máy của TSMC sẽ đặt tại Đức và chuyên về sản xuất chip ô tô và có công nghệ 28nm.

Thống đốc bang Nuevo Leon ở miền Bắc Mexico cho biết tập đoàn sản xuất máy tinh lớn nhất thế giới Quanta sẽ đầu tư dự án khoảng 1 tỷ USD tại bang này để xây dựng tổ hợp sản xuất máy tính và linh phụ kiện tại đây. Theo truyền thông Đài Loan, dự án này sẽ cung cấp một phần thiết bị cho nhà sản xuất ô tô điện Tesla.

Trung Quốc mới đây đã công bố cấm các sản phẩm của hãng sản xuất Ram nhớ Micron của Mỹ với lý do an ninh quốc gia. Các chuyên gia nhận định việc ngăn chặn sản phẩm Ram nhớ của Micron trong ngắn hạn chưa thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất sản phẩm điện tử toàn cầu tuy nhiên về lâu dài sẽ có tác động nhất định bởi Trung Quốc cũng là thị trường lớn để tiêu thụ sản phẩm này.

Tập đoàn TSMC mới đây đã công bố phát hành 20 tỷ Đài tệ (khoảng 6,8 tỷ USD)  trái phiếu doanh nghiệp thông thường (không có tài sản đảm bảo) để xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất mới tại Đài Loan. Đợt này TSMC phát hành 3 loại trái phiếu với các kỳ hạn 5,7 và 10 năm với mức lãi suất tương ứng là 1,6%, 1,65% và 1,8%.

Đài Loan sẽ tăng tốc đẩy mạnh chuyển đổi số để góp phần giảm phát thải carbon, theo đó Đài Loan sẽ ban hành các chính sách ưu đãi đối với các ngành sản xuất sau khi chuyển đổi số tạo ra các lĩnh vực sản xuất xanh và giảm thiểu phát thải carbon. Năm 2022, Đài Loan đã công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngân hàng Fubon tiếp tục có các đánh giá lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam, theo đó việc ngân hàng nhà nước đã hạ lãi suất cơ bản 0,5% vào tháng 3 sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong trung hạn. Hiện nay Fubon là chủ sở hữu của quỹ Fubon ETF, quỹ đầu tư lớn nhất của Đài Loan trên thị trường chứng khoán Việt Nam với gần 1 tỷ USD

a1

2. Hàn Quốc

Hàn Quốc và EU cam kết thúc đẩy hợp tác trong chuỗi giá trị, an ninh nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu trong tuần cao điểm đón liên tiếp Lãnh đạo Canada, Đức và Châu Âu của Tổng thống Yoon Seok Yeol. Trong đó, hai bên thống nhất triển khai Cơ chế Đối thoại Chính sách Công nghiệp và Chuỗi giá trị (SCIPD) từ năm 2023 tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm như năng lượng sạch, xe điện, bán dẫn…

Chính phủ Hàn Quốc đề nghị Hoa Kỳ cho phép các công ty bán dẫn Hàn Quốc được nâng hạn mức mở rộng sản xuất tại Trung Quốc từ 5% lên 10% đến năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu bán dẫn nội địa của Trung Quốc. Hàn Quốc cũng đề nghị Hoa Kỳ xem xét nới lỏng các điều kiện hạn chế công nghệ Chip nhớ xuống dưới 28nm, Dram dưới 18nm và NandFlash trên 128 layer.

Phó Thủ trướng phụ trách Kinh tế Choo Kyung Hoo cho biết Hàn Quốc coi Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng, cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Trung Quốc, hoàn toàn không có kế hoạch tách rời khỏi Trung Quốc trong bối cảnh Hàn Quốc được cho là đang ưu tiên các chính sách an ninh kinh tế với khối G7 do Hoa Kỳ dẫn dắt. Xuất khẩu Hàn Quốc sang Trung Quốc suy giảm thời gian qua chủ yếu do cầu nội địa yếu và doanh nghiệp Trung Quốc đã tự chủ sản xuất được các sản phẩm trung gian thay vì phải nhập khẩu từ Hàn Quốc. Vừa qua, Trung Quốc đã âm thầm cấm người dân truy cập Naver, được coi là Google – portal lớn nhất của Hàn Quốc.

Hyundai Motor và LG Energy Solution công bố liên doanh quy mô 4,5 tỷ USD sản xuất Pin xe điện công suất 27 GWh tại Hoa Kỳ, mỗi bên nắm 50% cổ phần với mục tiêu đưa vào sản xuất năm 2025, đủ cung ứng Pin cho 230 nghìn xe điện. Như vậy, đây là liên doanh sản xuất Pin xe điện thứ 2 của Hyundai tại Hoa Kỳ, sau liên doanh với SK On (5 tỷ USD, 35 GWh), đủ cung ứng cho khoảng 600 nghìn xe điện của Hyundai. Theo Counter Point Research, thị trường xe điện Hoa Kỳ đến năm 2030 dự kiến có quy mô 10 triệu xe/năm.

Chính quyền Seoul công bố Đề án Phát triển hạ tầng Trung tâm tài chính Yeouido với đề xuất cho phép nâng hệ số sử dụng đất tại Trung tâm tài chính Yeouido lên 1.200%, cho phép xây các tòa văn phòng 70 tầng nhằm nâng cao vị thế, tính cạnh tranh của trung tâm tài chính của Seoul theo mô hình của Manhattan, New York. Đối với các dự án landmark, thiết kế có tính cách mạng, thân thiện môi trường có thể cho phép tăng chiều cao lên trên 350m và hệ số sử dụng đất trên 1.245%.

Ngày 26/6, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng 14 nước thành viên IPEF. Các nước đã đạt thỏa thuận về các nội dung trong Trụ chột về Chuỗi giá trị tại Detriot, Hoa Kỳ. Đây là thỏa thuận quốc tế đa phương đầu tiên chỉ riêng cho vấn đề chuỗi giá trị, đồng thời là trụ cột đầu tiên đạt được thỏa thuận trong 4 trụ cột chính của IPEF với một số nội hàm chính như (i) phối hợp đối phó với các rủi ro trong chuỗi giá trị; (ii) tăng cường hợp tác đa dạng hóa, ổn định hóa chuỗi giá trị; (iii) cải thiện môi trường lao động trong chuỗi giá trị… Qua đó sẽ thúc đẩy hợp tác, tăng cường tính bổ trợ; nâng cao tính minh bạch và sự ổn định trong chuỗi giá trị về công nghệ, tài nguyên chiến lược. Các nước cũng thống nhất sẽ sớm thành lập Ủy ban Điều phối Chuỗi giá trị trong năm 2023. Các nước thành viên IPEF đặt mục tiêu đến tháng 11/2023 sẽ hoàn thành đàm phán 3 trụ cột còn lại (thương mại công bằng, kinh tế xanh và hạ tầng, thuế và chống tham nhũng) nhân Hội nghị APEC tổ chức tại San Francisco.

Ngày 25/5, Ngân hàng Hàn Quốc (BoK) quyết định đóng băng lãi suất cơ bản ở mức 3,5% và là lần thứ 3 BoK liên tiếp BoK không tăng lãi suất cơ bản trong năm 2023. Theo BoK, CPI có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn đang ở mức cao, chưa phải thời điểm xem xét giảm lãi suất. BoK cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP Hàn Quốc năm 2023 còn 1,4%, là mức thấp thứ 3 trong thiên niên kỷ mới sau năm 2009 và 2020 do xuất khẩu khó phục hồi trong ngắn hạn.

Theo phân tích số liệu của IMF, Hàn Quốc dự kiến vượt qua Úc để đứng vị trí thứ 8 về quy mô GDP năm 2023 với quy mô 1,7 nghìn tỷ USD, tương đương 1,64% GDP toàn cầu. GDP đầu người Hàn Quốc gần tương đương các quốc gia Italy, Nhật Bản trong G7, quy mô thương mại đã vượt Canada và Italy, quy mô đầu tư nội địa chỉ đứng sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và Pháp. Tuy nhiên, năng suất lao động chỉ đạt 63% mức trung bình của các nước G7 (46,5 USD/giờ so với 74,2 USD/giờ).

Ba Lan nổi lên là điểm đến đầu tư mới nổi của Hàn Quốc ở EU với 350 doanh nghiệp đang hoạt động và 5,5 tỷ USD vốn đầu tư. Đặc biệt, trong 5 năm qua, Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực Pin xe điện (LG Energy Solution, SK IE Technology, Posco Mobility Solution…); công nghiệp quốc phòng (Hanwha Defense); điện tử (Samsung Electronics, LG Electronics…). Hàn Quốc cũng đang rất quan tâm tham gia các dự án điện nguyên tử có quy mô 30 tỷ USD của Ba Lan. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng hợp tác với Ba Lan trong các dự án liên quan đến tái thiết Ukraina. Ba Lan được EU hỗ trợ 76 tỷ Euro giai đoạn 2021 – 2027 mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Hàn Quốc trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng, quốc phòng, hạ tầng, công nghiệp chế tạo, chuyển đổi số … Hiện một loạt các ngân hàng lớn của Hàn Quốc cũng đang tăng cường sự hiện diện tại Ba Lan như IBK, Shinhan, Woori… Ba Lan cũng được coi là quốc gia có chế độ ưu đãi đầu tư hấp dẫn bậc nhất EU từ miễn giảm thuế đến trợ cấp tiền mặt dưới sự bảo trợ của EU…/.

a2

3. Singapore

Singapore và Bhutan ký MOU về hợp tác tín chỉ carbon: Bộ trưởng Công thương Singapore và Bộ trưởng Năng lượng & Tài nguyên Bhutan ký ngày 18/5/2023, theo đó hai bên thống nhất sẽ tiến tới ký kết Thỏa thuận song phương có ràng buộc về pháp lý về khuôn khổ chuyển đổi quốc tế tín chỉ carbon đã được điều chỉnh tương ứng, vào cuối năm 2023. Bhutan là quốc gia đầu tiên có cân bằng carbon âm (hấp thụ nhiều carbon hơn thải ra) mà Singapore ký MOU về hợp tác tín chỉ carbon. Singapore đặt mục tiêu trở thành Trung tâm của khu vực về các dịch vụ tín chỉ carbon vào năm 2030. Singapore đã thành lập Sàn giao dịch carbon quốc tế ACX vào năm 2019 và Sàn giao dịch carbon tự nguyện CIX vào năm 2021. Từ năm 2024, các doanh nghiệp tại Singapore được phép bù trừ tối đa 5% (tỷ lệ này sẽ tăng theo lộ trình) lượng phát thải của mình bằng các tín chỉ carbon quốc tế chất lượng cao. Chính phủ Singapore đang nỗ lực tăng cường hợp tác với các nước có tiềm năng sản xuất tín chỉ carbon (trong đó có Việt Nam) để phát triển nguồn cung tín chỉ carbon đạt chuẩn cho các sàn giao dịch trên.

Singapore ra công bố chính thức về tình hình kinh tế Quý I/2023 và dự báo cho cả năm 2023: Ngày 25/5 Bộ Công thương Singapore công bố số liệu chính thức về tình hình kinh tế Quý I.2023, theo đó, tăng trưởng GDP Q1 đạt 0,4% (so với 2,1% của Quý trước đó), và dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm 2023 trong khoảng 0,5 – 2,5% (giữ nguyên mức dự báo trước đó).

Dự báo của Chính phủ Singapore về triển vọng kinh tế thế giới và khu vực trong năm 2023 không mấy sáng sủa. Theo đó, rủi ro suy giảm kinh tế toàn cầu tăng lên do: (i) căng thẳng trong ngành ngân hàng vừa qua sẽ dẫn tới tài chính toàn cầu bị thắt chặt hơn, làm tăng gánh nặng lên tiêu dùng và đầu tư, khiến tăng trưởng toàn cầu sụt giảm hơn nữa (vốn đã đang chịu tác động từ suy giảm trong lĩnh vực sản xuất); (ii) cuộc chiến tại Ukraine tiếp tục leo thang cùng các căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn sẽ dẫn tới rủi ro lặp lại tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, tạo gánh nặng lên thương mại toàn cầu. Về triển vọng của các nền kinh tế lớn: Tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ dự báo giảm mạnh do giảm tiêu dùng cá nhân và đầu tư hậu quả kéo dài của chính sách thắt chặt tiền tệ; Tăng trưởng GDP của EU cũng chậm do lạm phát tăng cao; Tại Châu Á, sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ mạnh mẽ hơn mong đợi, được hỗ trợ bởi gia tăng tiêu dùng nội địa sau khi dỡ bõ hạn chế về Covid-19. Tuy nhiên, những căng thẳng tiếp tục trong thị trường bất động sản và suy yếu của ngành công nghiệp trong điều kiện lượng cầu từ bên ngoài giảm mạnh là các yếu tố cản trở sự phục hồi này; Tăng trưởng của các nền kinh tế chính của khu vực ASEAN như Malaysia, Indonesia và Thái Lan ở mức tích cực, được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước và ngành du lịch phục hồi.

Đối với nền kinh tế Singapore, dự báo nhu cầu từ bên ngoài đối với Singapore sẽ vẫn tiếp tục suy yếu. Chu kỳ suy giảm của ngành điện tử sẽ tiếp tục trầm trọng hơn và kéo dài hơn dự kiến. Tác động lan tỏa từ sự phục hồi của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào ngành dịch vụ, ít tác động hơn đến ngành công nghiệp (nhu cầu nhập khẩu tiếp tục giảm). Triển vọng tăng trưởng cho các ngành liên quan tới hàng không và du lịch vẫn khá lạc quan do sự phục hồi về du lịch bằng đường hàng không và du lịch trong nước (vận tải hàng không, lưu trú, vui chơi giải trí v.v). Ngược lại triển vọng cho ngành liên quan tới sản xuất và thương mại (ngoài bán buôn nhiên liệu và hóa chất) không mấy khả quan. Ngành sản xuất chế tạo sẽ chịu ảnh hưởng nặng từ giảm sản lượng trong nhóm ngành điện tử và cơ khí chính xác do nhu cầu về bán dẫn toàn cầu suy giảm, và nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chậm

a3

All in one