Diễn biến trong tuần qua, dòng tiền chứng khoán đang thể hiện áp lực bán cơ cấu rất mạnh của các vị thế lướt sóng ngắn hạn kém hiệu quả, nhất là sau thị trường được khi rút ngắn chu kỳ thanh toán T+2.
Dòng tiền đang rút ra, nhất là trước sự biến động của thị trường cũng như những thông tin vĩ mô tiêu cực trên thế giới. (Ảnh:Vietnam+)
Dòng tiền đang rút ra, nhất là trước sự biến động của thị trường cũng như những thông tin vĩ mô tiêu cực trên thế giới. (Ảnh:Vietnam+)

Sau 7 tuần tăng điểm liên tiếp, cuối cùng thị trường chứng khoán ghi nhận những phiên giao dịch điều chỉnh trong tuần vừa qua. Theo đó, VN-Index đã “bốc hơi” 31,73 điểm (-2,5%) và xuống 1.248,78 điểm đồng thời HNX-Index cũng giảm 7,29 điểm (-2,5%) và xuống mức 284,63 điểm.

VN-Index về dưỡi ngưỡng tâm lý 1.250 điểm

Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index sau khi thất bại trước ngưỡng 1.300 điểm đã liên tiếp ghi nhận những nhịp điều chỉnh mạnh từ đầu tháng Chín đến nay. Cùng với đó, thanh khoản không có nhiều biến động.

“Điều này cho thấy dòng tiền đang rút ra, nhất là trước sự biến động của thị trường cũng như những thông tin vĩ mô tiêu cực trên thế giới,” báo cáo nhấn mạnh.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) chỉ ra VN-Index không thể vượt qua ngưỡng kháng cự 1.285 điểm trước áp lực bán ra tăng mạnh. Trong tuần, lực cung ồ ạt gia tăng trong các phiên thứ Tư và thứ Năm, khiến thị trường chứng khoán lao dốc. Tuy nhiên, lực cầu bất ngờ hồi phục trong phiên cuối tuần và giúp VN-Index rút ngắn khoảng cách rơi, song vẫn đóng cửa dưới ngưỡng tâm lý 1.250 điểm.

Về thanh khoản, ông Thắng cho biết giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt xấp xỉ so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình của 20 tuần gần nhất. Kết thúc tuần, giá trị giao dịch trên HoSE đạt 76.408 tỷ đồng, tăng 62% so với tuần trước đó và tương ứng với khối lượng 2.982 triệu cổ phiếu tăng 67% lên. Giá trị giao dịch trên HNX cũng tăng 34% và đạt 7.968 tỷ đồng, tương ứng skhối lượng giao dịch 396 triệu cổ phiếu, tăng 47,8%.

Về diễn biến, ông Thắng cho hay gần như toàn bộ các nhóm ngành đều xuống giá với mức giảm điểm sâu trên cả hai sàn (-2,5%),

Cụ thể, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng mất giá nhiều nhất với 4,8% giá trị vốn hóa, như VCB (-6,2%), BID (-7,5%), CTG (-5%), VPB (-4,1%), TCB (-3,3%), ACB (-2,6%), SHB (-8,3%)…

Về tâm lý, ông Thắng cho biết nhà đầu tư ra quyết định theo hiệu ứng “tin ra là bán” đối với nhóm cổ phiếu này, sau khi xuất hiện thông tin Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho các ngân hàng được ban hành chính thức.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí ghi nhận mức giảm sâu hơn 4%. Theo ông Thắng, nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu thế giới có sự sụt giảm mạnh trong tuần qua với các mã tiêu biểu BSR (-4,7%), OIL (-5,8%), PLX (-4,7%), PVD (-1%), PVS (-3,6%), PVB (-9,8%)…

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng cũng mất 3,9% giá trị vốn hóa, chủ yếu là do sự suy giảm của các cổ phiếu thuộc ngành hàng không, đơn cử như HVN (-13,9%), VJC (-3%)…

Khối ngoại quay trở lại bán ròng

Trước diễn biến thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại bán ròng trên cả hai sàn trong tuần qua. Giá trị ròng đạt gần 813 tỷ đồng. Trong đó, mã STB bị bán ròng lớn nhất với 5,9 triệu cổ phiếu, tiếp theo là SSI với 5,8 triệu cổ phiếu và MIG với 2,9 triệu cổ phiếu. Song ngược lại, mã HPG được mua ròng nhiều nhất với 6 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30 từ 0,64 đến 18,64 điểm. Do đó, ông Thắng cho rằng các nhà giao dịch vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới.

Phân tích kỹ hơn, ông Thắng chia sẻ sau 7 tuần liên tiếp, VN-Index tăng điểm từ vùng đáy 1.140-1.150 lên vùng giá 1.285-1.300. Chỉ số này đã tạo đỉnh ngắn hạn và có tuần điều chỉnh về 1.248,78 điểm, song khối lượng giao dịch tăng khá mạnh 67% so với tuần trước đó. Điều này thể hiện áp lực bán cơ cấu mạnh của các vị thế lướt sóng ngắn hạn kém hiệu quả, nhất là sau thị trường được khi rút ngắn chu kỳ thanh toán T+2.

“VN-Index tạo đáy tại vùng 1.140 điểm trong tháng Bảy, sau đó phục hồi trong tháng Tám và nhiều khả năng sẽ có diễn biến tích lũy thêm để tạo nền giá trong trung dài hạn tại tháng Chín,” ông Thắng nói.

Về kỹ thuật, ông Thắng cho rằng vùng hỗ trợ tâm lý VN-Index quanh 1.200-1.225 và đây cũng là đường xu hướng nối các đáy trung hạn lên cao dần (từ vùng 1.000-1.030 thấp nhất năm 2021 và vùng 1.143-1.156 thấp nhất tháng Năm và Bảy). Và, các ngưỡng kháng cự quan trọng của VN-Index là khu vực 1.260-1.285 điểm.

Ngắn hạn trong tuần tới, ông Thắng kỳ vọng VN-Index phục hồi sau khi kiểm tra lại vùng kháng cự 1.260-1.265 điểm. Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang tích lũy dài hạn trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất.

“Do đó, các nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi quý 3 gần kết thúc cũng như các thông tin vĩ mô, tăng trưởng GDP.. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư xem xét gia tăng thêm tỷ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng mạnh,” ông Thắng khuyến nghị.

Về điểm này, nhóm phân tích của VCBS đánh giá vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index là 1.200 điểm và chỉ số này vẫn đang trụ vững. Do đó, VCBS kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ có đợt phục hồi ngắn hạn.

Tuy nhiên, báo cáo của VCBS cũng giữ quan điểm thận trọng, trong trường hợp VN-Index đánh mất vùng điểm số trên, khả năng VN-Index sẽ rủi ro lùi về ngưỡng 1.170 điểm, thậm chí xấu hơn là mức 150 điểm.

“Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường, hạn chế bắt đáy, chỉ nên nắm giữ những cổ phiếu thuộc nhóm ngành có lực cầu tốt (như điện, nước, dịch vụ thiết yếu…) để chờ đợi thị trường cho tín hiệu ổn định hơn rồi mới cân nhắc tới chuyện gia tăng trở lại tỷ trọng cổ phiếu so với tiền mặt,” nhóm phân tích VCBS đề xuất./.

audio

chứng khoán

All in one