Còn nhiều “rào cản” đang làm hạn chế tỉnh Quảng Trị phát huy thêm tiềm năng trong thu hút vốn đầu tư nước. Chính vì vậy, để làm tốt mục tiêu này hơn, tỉnh Quảng Trị đã đề ra giải pháp khắc phục và kế hoạch thực hiện cụ thể…..

1
Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 19 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2.536 triệu USD, trong đó có 15 dự án hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 106 triệu USD; 4 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký gần 2.430 triệu USD.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị, trong quý 2/2023, doanh thu của các dự án FDI toàn tỉnh đạt 25,04 triệu USD, bằng 481,37% so với cùng kỳ năm 2022; giá trị xuất khẩu đạt gần 15 triệu USD, bằng 81,83% so với cùng kỳ năm 2022,; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động, nộp ngân sách 0,84 triệu USD, bằng 63,23% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài nhưng kết quả thu hút FDI chưa đạt kỳ vọng.

Từ năm 2022 đến nay, không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài nào được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh này. Trong khi đó, hiện có một số dự án FDI đã tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động hiệu quả thấp; một số dự án đã được cấp phép nhưng tiến độ triển khai chậm như dự án Nhà máy Sản xuất dăm gỗ và chế biến lâm đặc sản Shaiyo AA, Nhà máy Sản xuất và gia công may mặc PI Vina Quảng Trị…

So với các tỉnh, thành trong nước, Quảng Trị vẫn là địa phương nằm trong nhóm ít thu hút được các dự án FDI cả về số lượng và vốn đăng ký. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, được các cơ quan chức năng tỉnh này xác định do nguồn lực địa phương còn hạn chế nên các chính sách ưu đãi đầu tư nói chung của tỉnh chưa tạo được lợi thế thực sự khác biệt so với các tỉnh, thành trong khu vực để tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Trị thiếu các công trình giao thông, hạ tầng trọng điểm như sân bay, cảng biển nước sâu, kho ngoại quan cũng là một trong những “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến thu hút dự án FDI.

Công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh này còn chậm, không đảm bảo tiến độ gây khó khăn trong triển khai thực hiện dự án đã được cấp phép cũng khiến nhà đầu tư ái ngại trong việc quyết định đầu tư vào địa bàn. Ngoài ra, tỉnh thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Nhận thấy những “nhược điểm” trên, làm hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài, mới đây UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tại quyết định trên, tỉnh Quảng Trị đã xác định mục tiêu và định hướng đầu tư.

Cụ thể, Quảng Trị sẽ tăng cường năng lực thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành khá của cả nước; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc top 20 của cả nước, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế – xã hội nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII. Tập trung thu hút các dự án đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên 3 trụ cột chính: công nghiệp – xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ – du lịch.

Tỉnh này sẽ thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên là các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, như: công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản (nhất là công nghiệp chế biến gỗ); công nghiệp silicat; công nghiệp dệt may; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên; một số ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển, giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh; Các dự án đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Quảng Trị cũng sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp; Phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh; Lựa chọn thu hút đầu tư những dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tỉnh phấn đấu sớm khởi công đưa nhà máy nhiệt điện khí sử dụng khí từ mỏ Báo Vàng vào hoạt động.

Quảng Trị sẽ tích cực làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành để phát triển các dự án khí – điện tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị và triển khai các bước đầu tư, khai thác. Triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch. Xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.

Đồng thời, Quảng Trị thu hút đầu tư, phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho tàng, bến bãi, dịch vụ logistic; phấn đấu Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030. Nghiên cứu phát triển Khu kinh tế – thương mại Lao Bảo gắn với định hướng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ logistic xuyên biên giới. Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số; các dự án đầu tư công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sổ để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; Các dự án về hạ tầng viễn thông, nền tảng công nghệ số.

Nguồn: vneconomy.vn

All in one