hoan thien co so phap ly de phat huy hieu qua chinh sach bao hiem tien gui 20231116114030
Bảo hiểm tiền gửi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. 

Bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền trong mọi trường hợp

Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho 1.280 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 96 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.179 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.

BHTGVN bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền gián tiếp qua việc triển khai những nghiệp vụ như: giám sát từ xa và kiểm tra định kỳ tại chỗ nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý kịp thời những vi phạm quy định về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Để tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, BHTGVN còn triển khai các nhiệm vụ: cho vay đặc biệt đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND; thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG đa dạng qua nhiều kênh, phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức công chúng, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương vì thiếu thông tin, kiến thức tài chính.

Không chỉ vậy, trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG gặp phải sự cố mất khả năng thanh toán, BHTGVN sẽ bảo vệ trực tiếp người gửi tiền thông qua nghiệp vụ chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền với hạn mức theo quy định của pháp luật. Số tiền vượt hạn mức sẽ được chi trả trong quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG đó. Nhờ vậy, người gửi tiền an tâm hơn khi gửi tiền tại các TCTD có tham gia BHTG, qua đó chủ động hơn trong các giao dịch tài chính, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG tại Việt Nam, trong năm 2023, BHTGVN đã tích cực nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, trong đó trọng tâm là công tác sửa đổi Luật BHTG. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, BHTGVN thực hiện góp ý đối với dự thảo Luật Các TCTD; tham gia tổng kết thi hành Luật BHTG.

Ngành ngân hàng cũng đặt ra mục tiêu những tháng cuối năm 2023 tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững. Trong đó, có dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đang diễn ra; tiếp tục nghiên cứu, rà soát việc cần thiết sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật BHTG.

Tham gia hiệu quả vào tái cơ cấu tổ chức tín dụng

hoan thien co so phap ly de phat huy hieu qua chinh sach bao hiem tien gui 20231116160204
Nguồn: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. 

Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, Luật BHTG cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, do thực tiễn đã có nhiều thay đổi. Hơn nữa, Luật chưa quy định, quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác về: thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, miễn phí BHTG; tiền gửi không được bảo hiểm; trục lợi BHTG…

Sửa đổi, bổ sung Luật BHTG là chủ trương xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ, NHNN; cũng là nhiệm vụ quan trọng BHTGVN được giao. Từ đó, BHTGVN có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.

Hiện BHTGVN đã cơ bản hoàn thiện đề xuất các nội dung dự kiến trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, trong đó, tập trung vào các vấn đề chính, bao gồm: nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG; bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG; hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD; hoàn thiện quy định về trả tiền bảo hiểm. Cụ thể:

Về nâng cao năng lực tài chính, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp luật nhằm tăng vốn điều lệ cho tổ chức BHTG lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030 từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức BHTG; khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động BHTG.

Tăng cường năng lực tài chính thông qua việc đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư; bổ sung hình thức vay từ NHNN trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG không đủ để trả tiền bảo hiểm;

Nghiên cứu bổ sung danh mục đầu tư gồm: mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành;

Về quy định trả tiền bảo hiểm, BHTGVN đang nghiên cứu các nội dung nhằm đảm bảo ngăn chặn tình trạng trục lợi BHTG, trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức BHTG và các cơ quan liên quan; tạo hành lang pháp lý để tổ chức BHTG tham gia thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch dự phòng và diễn tập chi trả cho từng loại hình tổ chức tham gia BHTG; xây dựng sổ tay chi trả đối với từng loại hình tổ chức tham gia BHTG nhằm chuẩn hóa quy trình chi trả, đa dạng hóa các hình thức chi trả, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình chi trả nhằm rút ngắn thời gian chi trả thực tế;

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động BHTG sẽ tạo nền tảng để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, góp phần từng bước lành mạnh hóa hệ thống các TCTD, để tổ chức BHTG tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD trong thời gian tới.