TP.Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 60-62%, đến năm 2030 đạt 65-75%. Đến năm 2025, hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng…

quyhoachhanoi 1
Ảnh minh hoạ

TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 216/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 16/3/2023 của Thành ủy Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TP.Hà Nội.

Theo đó, thành phố phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030, đạt khoảng 65-75%. Đến năm 2025, hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng, quy hoạch chi tiết các khu vực cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố; hệ thống các quy định quy chế liên quan quản lý quy hoạch, kiến trúc; hoàn thành điều chỉnh các quy hoạch đảm bảo điều kiện phát triển các huyện thành quận;

Cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các bệnh viện, trong đó, ưu tiên hoàn thành sớm 4 bệnh viện đa khoa lớn tại các cửa ngõ Thủ đô, hoàn thành chỉ tiêu 30 – 35 giường bệnh/vạn dân vào năm 2025. Phấn đấu tăng tổng số lượng giường bệnh của các cơ sở y tế (tại trung tâm y tế chuyên sâu, bệnh viện đa khoa các cấp) đến năm 2025 dự kiến đạt 21.880 giường bệnh, đến năm 2030 khoảng 24.380 giường bệnh.

Phấn đấu tỷ lệ số giường bệnh của cơ sở y tế cấp đô thị trên 1.000 dân đến năm 2025 là 2,8, đến năm 2030 là 3,2 và tối thiểu 15 bác sĩ/10.000 dân; đồng thời gắn với việc phát triển nguồn nhân lực đảm bảo việc vận hành khi hoàn thành đầu tư;

Tăng số lượng trường trung học công lập và công lập tự chủ đến năm 2025 khoảng 135 – 140 trường, đến năm 2030 khoảng 150 trường; tăng số lượng trường tư thục đến năm 2025 khoảng 112 – 116 trường, đến năm 2030 khoảng 125 – 130 trường;

Triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh. Số lượng đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030 là 3-5 đô thị.

Tiếp đó đến năm 2050, hoàn thành đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; hệ thống đô thị – nông thôn được liên kết theo mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh và đảm bảo bền vững; hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Để thực hiện mục tiêu trên, một số nhiệm vụ, giải pháp đặt ra là: Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị tại Hà Nội; Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh quản lý và phát triển đô thị bền vững, phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biển đổi khí hậu; Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; Phát triển kinh tế khu vực đô thị; Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Nguồn: vneconomy.vn

All in one