Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, ngày 1/8 liên Bộ Công thương Tài chính công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho chu kỳ điều hành mới.

Giá xăng dầu trong nước được dự báo giảm thứ 4 liên tiếp

Giảm thuế để hạ giá xăng dầu sẽ giúp phục hồi sản xuất, bình ổn Chỉ số giá tiêu dùng, nâng cao đời sống người dân Ảnh: Đức Thanh

Hôm nay 1/8, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ. Giá xăng dầu trong nước được dự báo sẽ có lần giảm thứ 4 liên tiếp.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 26/7 tiếp tục giảm so với kỳ trước. Cụ thể, xăng RON92 là 107,98 USD /thùng, RON95 ở mức 111,14 USD /thùng.
Tại kỳ điều hành ngày 1/8, dự báo giá xăng sẽ giảm khoảng 250 – 500 đồng/lít; dầu diesel cũng tiếp tục giảm khoảng 800 – 900 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm nêu trên còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều hành giá trích lập và chi quỹ bình ổn giá xăng dầu như thế nào.
Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 21/7, xăng E5RON92 giảm 2.710 đồng/lít, xăng RON95 giảm 3.600 đồng/lít. Sau điều chỉnh, xăng E5RON92 có giá bán là 25.070 đồng/lít, xăng RON95 là 26.070 đồng/lít.

Tương tự, các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm giá. Theo đó, dầu diesel giảm với mức nhẹ hơn là 1.740 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.100 đồng/lít, dầu mazut giảm 1.170 đồng/kg. Sau điều chỉnh, dầu diesel có giá bán 24.850 đồng/lít, dầu hỏa 25.240 đồng/lít và dầu mazut 16.540 đồng/kg.
Tại phiên họp của Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cần tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để ổn định mặt bằng giá chung.
Cùng với đó, các bộ, ngành tiếp tục theo dõi tình hình, chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu; theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu.

Giá dầu châu Á giảm sáng 1/8 do số liệu sản xuất Trung Quốc và Nhật Bản yếu

Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch sáng 1/8 do số liệu sản xuất yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản trong tháng Bảy ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu.
Trong khi đó, các nhà đầu tư đang tập trung theo dõi cuộc họp tuần này của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất hàng đầu khác (OPEC+) về việc điều chỉnh nguồn cung. OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày 3/8 để quyết định về sản lượng của tháng Chín.
Trong phiên giao dịch này giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 1,19 USD (1,1%) xuống 102,78 USD/thùng vào lúc 09 giờ 12 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) ở mức 97,19 USD/thùng, giảm 1,43 USD (1,5%).
Hoạt động sản xuất của Nhật Bản trong tháng 7/2022 tăng ở mức thấp nhất trong 10 tháng, theo số liệu công bố ngày 1/8. Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất đáng thất vọng của Trung Quốc là yếu tố chính gây áp lực lên giá dầu trong phiên này.
Các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters đã hạ dự báo của họ đối với giá dầu Brent trung bình năm 2022 xuống 105,75 USD/thùng và dự kiến dầu WTI xuống còn 101,28 USD/thùng.

(Nguồn: thethaovanhoa.vn)

>> Tác động của giảm giá xăng dầu với mục tiêu kiềm chế lạm phát

All in one