(FDI Việt Nam) – Dòng vốn tín dụng xanh được xem là động lực chiến lược thúc đẩy phát triển bền vững tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, để dòng vốn này vận hành hiệu quả, việc hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan là điều kiện tiên quyết.
TÍN DỤNG XANH – ĐỘNG LỰC CHO CHUYỂN ĐỔI XANH
Theo ông Lê Anh Xuân – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 9, thời gian qua, đơn vị đã tích cực triển khai các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Những chương trình này không chỉ tháo gỡ khó khăn vốn cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng mở rộng hỗ trợ các lĩnh vực xanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững.
Tuy vậy, quy mô tín dụng xanh tại địa phương hiện vẫn khá hạn chế so với nhu cầu thực tế. Nhiều rào cản vẫn tồn tại, đặc biệt khi các dự án đầu tư xanh – như năng lượng tái tạo, công trình xanh hay tiết kiệm năng lượng – thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng phần lớn lại là ngắn hạn.

Thêm vào đó, việc chưa ban hành Danh mục phân loại xanh thống nhất khiến các ngân hàng gặp khó trong việc thống kê, theo dõi và quản lý dòng vốn xanh. Công tác đào tạo cán bộ ngân hàng về thẩm định rủi ro môi trường và tín dụng xanh cũng còn nhiều hạn chế do chi phí và thời gian đào tạo cao.
Một thách thức khác là nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của tín dụng xanh hoặc thiếu thông tin về các chính sách ưu đãi liên quan. Hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường cũng khiến rủi ro môi trường gia tăng, dẫn tới nguy cơ phát sinh các khoản nợ khó thu hồi.
Trước những thách thức hiện hữu, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 9 cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả Đề án phát triển ngân hàng xanh, từng bước nâng cao tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ, đặc biệt ưu tiên các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh. Đồng thời, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, kèm theo yêu cầu tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Cùng với đó, công tác truyền thông về tín dụng xanh và chuyển đổi xanh sẽ được tăng cường. Việc ứng dụng công nghệ số nhằm quản lý, giám sát các khoản vay xanh theo hướng minh bạch, hiệu quả cũng sẽ được thúc đẩy. Nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ ngân hàng về tín dụng xanh là một trong những trọng tâm được chú trọng.
Ông Lê Anh Xuân cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm hoàn thiện khung pháp lý về tín dụng xanh, đồng thời xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề thân thiện môi trường. Ông nhấn mạnh cần có sự chỉ đạo từ Hội sở các tổ chức tín dụng để ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý cho dự án xanh, dựa trên đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Với chính quyền địa phương, ông Xuân đề xuất UBND các tỉnh, thành phố cần sớm nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ ưu đãi cho các lĩnh vực xanh như thị trường, đào tạo, lao động, khoa học công nghệ, đất đai… nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh trong nền kinh tế. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức về xu thế tất yếu và lợi ích lâu dài từ chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển theo mô hình bền vững (ESG); đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh và giảm thiểu rủi ro môi trường trong các dự án.
“Có thể nói, vốn tín dụng là động lực quan trọng để các địa phương thực hiện thành công chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Với những giải pháp đồng bộ và quyết tâm mạnh mẽ, tín dụng xanh sẽ trở thành ‘chìa khóa’ mở ra tương lai xanh”, ông Lê Anh Xuân tin tưởng.
CẦN HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ
Cùng chung quan điểm, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) – nhận định rằng, dù tín dụng xanh đã có bước tiến tích cực về tốc độ và tỷ lệ cho vay, quá trình triển khai thực tế vẫn gặp không ít rào cản.
Một trong những vướng mắc lớn là việc danh mục phân loại xanh quốc gia đến nay vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn trong việc xác định, thống kê và giám sát hoạt động tín dụng xanh. Các chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh cũng đang trong quá trình hoàn thiện, khiến doanh nghiệp và tổ chức tín dụng thiếu cơ sở rõ ràng để triển khai.

quốc tế – đang gặp khó do bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu bất ổn, lãi suất USD duy trì ở mức cao, rủi ro tỷ giá và chênh lệch kỳ hạn giữa vốn huy động ngắn hạn và thời gian hoàn vốn dài của các dự án xanh.
Ngoài ra, đặc thù của các dự án xanh là yêu cầu vốn đầu tư lớn và cần chuyên môn cao trong thẩm định môi trường. Điều này khiến các tổ chức tín dụng phải tăng chi phí để xây dựng hệ thống quản trị phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực ngân hàng xanh.
Bà Giang cũng nhấn mạnh rằng, nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư về thị trường tài chính xanh vẫn còn thiếu đồng đều. Do đó, sự quan tâm đến các sản phẩm huy động và tín dụng xanh còn hạn chế, trong khi tâm lý e ngại khi tiếp cận các sản phẩm tài chính mới vẫn phổ biến. Hệ thống dữ liệu môi trường hiện cũng chưa đầy đủ, gây khó khăn trong công tác thẩm định và giám sát rủi ro.
Để từng bước khơi thông dòng vốn xanh, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030. Trọng tâm là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng bền vững.
Song song đó, NHNN sẽ rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển các lĩnh vực. Hướng dẫn cụ thể các tổ chức tín dụng trong việc cấp vốn cho các dự án có lợi ích môi trường sau khi Danh mục phân loại xanh quốc gia được ban hành.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm tiếp nhận hỗ trợ tài chính, kỹ thuật – đặc biệt trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ngân hàng về tài chính xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác truyền thông sẽ được tăng cường để nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh và tiêu dùng bền vững cho cả cán bộ ngân hàng lẫn khách hàng.
Theo bà Hà Thu Giang, để tín dụng xanh thực sự phát huy hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc hoàn thiện chính sách đầu tư và tạo lập môi trường thuận lợi. Đặc biệt, cần sớm ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia và hoàn thiện khung pháp lý cho các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, thị trường tín chỉ carbon và thuế môi trường.
Đồng thời, cần có các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ và định chế tài chính quốc tế, từ đó có thể cung cấp các khoản vay dài hạn với lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh – tạo nền tảng tài chính vững chắc cho chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
“Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía gồm:Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng và cộng đồng, tín dụng xanh mới thực sự trở thành động lực bền vững trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, bà Hà Thu Giang nhấn mạnh.
Nguồn: Vietnam Finance