Bộ Giao thông – Vận tải (TVT) vừa có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất Dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới – WB.
Mục tiêu của Dự án là cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279, Quốc lộ 217, Quốc lộ 12C, Quốc lộ 12A và Quốc lộ 15D – những tuyến đường bộ kết nối các tỉnh Tây Bắc, Bắc Trung Bộ của Việt Nam với CHDCND Lào.
Cụ thể, Quốc lộ 279 đoạn Điện Biên – cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên dài 38,67 km sẽ được đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn tuyến đạt quy mô đường cấp III, vận tốc thiết kế từ 60 – 80km/h.
Tuyến Quốc lộ 217 đoạn Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hoá dài 59,42 km sẽ được nâng cấp, cải tạo đoạn tuyến đạt quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.
Tuyến Quốc lộ 12C đoạn cảng Vũng Áng – đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình dài 90 km, được nâng cấp, cải tạo đoạn tuyến đạt quy mô đường cấp III, vận tốc thiết kế từ 60 – 80km/h.
Tuyến Quốc lộ 12A đoạn Khe Ve – cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình dài 38km sẽ được nâng cấp, cải tạo đoạn tuyến đạt quy mô đường cấp III miền núi, vận tốc thiết kế từ 60km/h.
Tuyến Quốc lộ 15D được chia làm 2 đoạn Quốc lộ 1 – Cao tốc Cam Lộ – La Sơn và đoạn đường Hồ Chí Minh – cửa khẩu La Lay, tỉnh Quảng Trị. Trong đó, Dự án sẽ đầu tư xây dựng mới đoạn tuyến từ Quốc lộ 1 đến cao tốc Cam Lộ – La Sơn, dài 8,4 km đảm bảo quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu La Lay dài 12,09 km được nâng cấp đảm bảo quy mô đường cấp IV và III, vận tốc thiết kế 40-60 km/h, các đoạn khó khăn có châm chước về bán kính và độ dốc dọc.
Bộ GTVT dự kiến thời gian thực hiện Dự án là 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2024 đến năm 2028).
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.532,21 tỷ đồng, tương đương khoảng 369,68 triệu USD, gồm vốn vay IBRD của WB là 6.739,60 tỷ đồng (tương đương khoảng 292,01 triệu USD) và vốn đối ứng khoảng 1.792,61 tỷ đồng (tương đương khoảng 77,67 triệu USD).
Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, rút ngắn khoảng cách giữa các cửa khẩu với các cảng biển, giảm thời gian chạy xe qua đó giảm được chi phí vận tải, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng dự án; tăng cường kết nối hành lang Đông – Tây, góp phần thúc đẩy giao thương với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
>> HSBC, Citigroup và sự kết thúc của tham vọng “ngân hàng toàn cầu”?