HSBC và Citigroup đang phải thu hẹp quy mô trên thị trường toàn cầu, trong bối cảnh toàn cầu hoá đối diện nhiều cơn gió ngược chiều.

HSBC, Citigroup và sự kết thúc của tham vọng “ngân hàng toàn cầu”?

20 năm trước, các nhân viên của HSBC bắt đầu chuyển văn phòng tới toà trụ sở Canary Wharf tại London – 1 trong 2 toà cao ốc mới nổi bật tại London. Toà nhà còn lại chính là trụ sở của Citigroup Inc – nơi các nhân viên cũng mới chuyển vào cách đó 1 tháng.

Vào thời điểm đó, Canary Wharf là toà nhà cao thứ hai nước Anh, phần nào thể hiện sự tự tin của một trong những nhà băng lớn nhất, hiện diện mạnh mẽ nhất trên toàn cầu.

Hiện tại, tham vọng toàn cầu của cả HSBC và Citigroup đều phần nào thu hẹp, thay thế vào đó là chiến lược tập trung hơn vào một số khu vực. HSBC giảm số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ mà mình hiện diện từ con số 88 xuống 64. Cổ đông lớn nhất của HSBC là Ping An Insurance Group (tập đoàn Trung Quốc) đang khuấy trộn tình hình với việc đòi tách riêng mảng hoạt động tại thị trường châu Á của nhà băng này.

Năm ngoái, Citigroup thông báo rời khỏi 13 thị trường tại châu Á, châu Âu và Trung Đông, đồng thời cố gắng bán mảng hoạt động tại Mexico. Vào thời kỳ đỉnh cao nhất, Citigroup hiện diện tại hơn 140 quốc gia.

Sự thay đổi chiến lược bành trướng của 2 nhà băng toàn cầu này đã phần nào phản ánh tính chất mới của toàn cầu hoá.

Kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, toàn cầu hoá đã gặp phải những cơn gió ngược chiều. Nhiều quốc gia thực thi các chính sách ít thông thoáng hơn với thương mại toàn cầu, các khối liên kết khu vực phát triển, sự mở rộng của các chuỗi toàn cầu chậm lại.

Bối cảnh thay đổi buộc các nhà băng phải thích ứng linh hoạt. Citigroup đang tập trung vào chiến lược trở thành “ngân hàng phục vụ khách hàng tại Top 100 thành phố trên thế giới”. Tuy nhiên, với việc lợi nhuận tại các thị trường nước ngoài giảm xuống và chi phí quản lý gia tăng, ngân hàng này đã và đang giảm dần nhiệt huyết với việc vươn khắp thế giới. Cả 2 nhiệm kỳ CEO gần nhất của Citigroup đều tiến hành việc rút lui khỏi một số thị trường.

Tương tự, HSBC cũng rời bỏ nhiều vùng đất. Năm 2021, nhà băng này bán mảng hoạt động tại Pháp cho Cerberus Capital Management với giá 1 euro. Hiện tại, HSBC tiếp tục đối diện thử thách lớn khi cổ đông Ping An muốn tách riêng mảng hoạt động tại châu Á. Nếu điều này diễn ra, đồng nghĩa với việc HSBC sẽ giảm 8 tỷ USD vốn và khoảng 25-35 tỷ USD giá trị thị trường.

(Nguồn: baodautu.vn)

>> Vietlog Industrial khởi công dự án kho hạng A tại Hưng Yên

All in one