Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo về thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, nhằm chuẩn bị cho việc tổng kết 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học và Công nghệ vừa phối hợp tổ chức Hội thảo Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động tổng kết 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã khẳng định, thời gian qua, thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực.
Một trong những ví dụ cụ thể, đó là Việt Nam đã thu hút được các dự án đầu tư của các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, LG, Panasonic…
“Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, khiến thị trường nội địa đang mở rộng nhanh chóng”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Các điểm “được” khác được Thứ trưởng Trần Duy Đông nhắc tới đó là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ…; đưa doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu…
Tuy vậy, các tồn tại, hạn chế cũng đã được Thứ trưởng Trần Duy Đông thẳng thắn chỉ ra. Chẳng hạn, mặc dù được đánh giá sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại hơn nhưng không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước; chủ yếu ở mức độ hiện đại trung bình, hoặc trung bình tiên tiến của khu vực…
Chưa kể, việc cập nhật công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho R&D còn hạn chế; mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi; sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Đình Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám sát công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, các hợp đồng chuyển giao công nghệ những năm qua chủ yếu đến từ nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, ASEAN. Các lĩnh vực được các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đăng ký chuyển giao công nghệ gồm điện tử, viễn thông, ô tô, xe máy, dược phẩm, y tế, hóa dầu, mỹ phẩm, khai thác chế biến khoáng sản, xây dựng.
Tuy nhiên, thực tế, hầu hết việc chuyển giao công nghệ này được thực hiện từ công ty mẹ sang công ty con, mà ít có sự chuyển giao cho doanh nghiệp Việt.
Ông Trần Toàn Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng bày tỏ sự lo ngại khi các tác động lan tỏa từ khu vực đầu tư nước ngoài tới khu vực trong nước còn hạn chế.
Theo ông Thắng, việc tiếp nhận được công nghệ từ phía nhà đầu tư nước ngoài cũng phụ thuộc nhiều vào phía Việt Nam. “Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài muốn đầu tư cho R&D, muốn đầu tư công nghệ cao hơn nhưng lại gặp khó vì thiếu nguồn lao động kỹ thuật cao”, ông Trần Toàn Thắng nói.
Vậy lời giải cho bài toán này là gì?
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, để giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước và hạ tầng xã hội và nhân lực chất lượng cao nội địa.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách và cơ chế liên kết giữa hai loại hình doanh nghiệp, bao gồm phát triển công nghiệp hỗ trợ, liên kết theo chuỗi cung ứng sản phẩm, chuyển giao và ứng dụng công nghệ.
“Các doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động trong việc tìm kiếm các kênh chuyển giao công nghệ thông qua hợp đồng mua phát minh, bản quyền, thương quyền, hợp tác nghiên cứu với cơ quan, tổ chức trong nước, chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư nước ngoài, không bị động trong việc tìm kiếm công nghệ thích hợp với từng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Các đề xuất khác được đề cập tại Hội thảo cũng bao gồm việc rà soát, xây dựng cơ chế ưu đãi bổ sung nhằm ứng phó với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu; sửa đổi, bổ sung các quy định về doanh nghiệp công nghệ cao, tiêu chí sản phẩm công nghệ cao; cần có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp chủ lực; có cơ chế ưu đãi gắn với doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Nguồn: baodautu.vn