Các chuyên gia nhận định việc một số đồng tiền chủ chốt biến động sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu, tuy nhiên giao dịch thương mại chủ yếu dựa vào đồng USD nên không quá quan ngoại. Vậy biến động ngược chiều tỷ giá tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Chưa năm nào thế giới lại chứng kiến các đồng ngoại tệ giảm mạnh so với đồng USD như năm nay. Biến động nhiều nhất phải kể đến đồng yen (Nhật Bản) “rơi” khoảng 20%, tiếp theo là đồng euro giảm 12%. Nhiều đồng tiền khác như GBP (bảng Anh), THB (bạt Thái), won (Hàn Quốc) cũng đồng loạt giảm hơn 10%.
Tuy nhiên VND chỉ mất giá khoảng 2,6% so với USD. Nếu xét trong rổ tiền tệ tính tỷ giá trung tâm gồm USD, THB, euro, CNY, SGD, yen, won, TWG (Đài Loan) thì VND còn lên giá so với tất cả 7 loại tiền tệ còn lại.
Các chuyên gia nhận định việc một số đồng tiền chủ chốt biến động sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, giao dịch thương mại tại Việt Nam chủ yếu dựa vào đồng USD, do đó tác động của những ngoại tệ trên tổng thể về cán cân thanh toán không quá quan ngoại.
Doanh nghiệp tìm giải pháp thay thế
Việc lên xuống trong tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền lớn là đồng euro và USD không phải là hiếm, dù vậy bất cứ lần thay đổi nào của hai đồng tiền này đều dẫn tới những biến động trong đầu tư, thương mại quốc tế.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang các thị trường châu Âu cho hay: “Nhìn chung, khi đồng euro lao dốc xuống ngang bằng USD sẽ bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu và có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa khi thanh toán bằng đồng euro. Các mặt hàng trọng tâm cho xuất khẩu của chúng tôi là hạt điều, gạo, hạt tiêu, thủ công mỹ nghệ. Việc đồng euro xuống giá gây bất lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất khẩu vì doanh nghiệp thu về tiền euro và thu mua hàng nông sản trong nước để chế biến, xuất khẩu lại mua bằng VND.”
Tổng công ty Tiên Sơn-Thanh Hóa hiện là đơn vị đang có đối tác chiến lược may gia công tại Việt Nam của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Nike, Converse, Hurley, Jordan… mỗi năm xuất khẩu hàng chục triệu sản phẩm sang châu Mỹ, châu Âu.
Ông Trịnh Xuân Lâm-Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tiên Sơn cho biết: “Rất may, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang châu Mỹ, còn châu Âu chỉ chiếm 10% nên không bị ảnh hưởng nhiều khi đồng euro xuống giá.”
Trong khi đó, Tập đoàn Daikin – sản xuất và kinh doanh điện lạnh tại nhiều quốc gia, đã từng bị giảm lợi nhuận vì biến động tỷ giá. Kinh nghiệm của tập đoàn này rút ra là chuyển nguồn thu mua nguyên liệu, thậm chí, điều chuyển hoạt động gia công sang các thị trường có đồng nội tệ rẻ.
Ông Ogami Noriyoshi-Phó Tổng giám đốc Daikin Việt Nam cho biết: “Hiện nay đồng yen giảm giá, chúng tôi đang thực hiện các biện pháp như chuyển sang sản xuất tại Nhật Bản các linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc để tránh việc giảm lợi nhuận. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện các biện pháp như thay đổi địa điểm nhập khẩu hoặc thay đổi nơi sản xuất các linh kiện để cân đối chi phí theo tình hình thực tế.”
Giải pháp nào để ổn định trước những biến động tỷ giá?
Việc VND ổn định hơn so với các ngoại tệ khác cũng được đánh giá là một trong những điểm tích cực của điều hành chính sách tỷ giá từ Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này cho biết định hướng điều hành tỷ giá linh hoạt nhưng sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ khi cần thiết để ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Cơ sở để Ngân hàng Nhà nước có thể bổ sung nguồn cung chính là lượng dự trữ ngoại hối tới gần 110 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối vốn được xem là bộ đệm quan trọng, khẳng định tiềm lực tài chính, giúp các quốc gia có thể chủ động ổn định thị trường.
Bà Lương Thị Hoài, Trưởng phòng Bán sản phẩm thị trường tài chính-Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết việc thanh toán ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu luôn diễn ra thông suốt dù nhu cầu ngoại tệ năm nay tăng thêm gần 40% so với năm trước nhờ kinh tế phục hồi.
Bên cạnh đó, theo bà Hoài, việc Ngân hàng Nhà nước gần đây chuyển sang mua bán ngoại tệ giao ngay, thay vì mua bán theo kỳ hạn đã giúp điều tiết hợp lý cung cầu trên thị trường.
“Mua bán giao ngay tiền sẽ ‘hút’ vào Ngân hàng Nhà nước luôn, chỉ 2 ngày sau là đã có USD ra và vào. Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá bán ra cho các ngân hàng trong trường hợp các ngân hàng muốn mua ngoại tệ. Chính vì thế mà các ngân hàng sẵn sàng đáp ứng gần như hết các nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua,” bà Hoài nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng đồng bộ, linh hoạt công cụ từ dữ trữ ngoại hối và hút tiền đồng qua thị trường mở để tác động lên thanh khoản tiền đồng trong hệ thống đã góp phần kiềm chế áp lực lên tỷ giá thời gian qua.
“Cơ bản chúng ta kiểm soát tỷ giá tương đối tốt, cung cầu ngoại tệ tương đối ổn nên đồng Việt Nam chỉ mất giá so với USD trên 2%, trong khi ngoại tệ nhiều nước mất từ 3%-14%,” ông Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết.
Nhận định về chính sách tỷ giá của Việt Nam trong thời gian tới, ông Trương Văn Phước-nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng hơn 2% từ đầu năm. Nếu so sánh với giai đoạn 5-7 năm gần đây thì mức tăng này có thể gọi là cao vì các năm trước tỷ giá USD/VND thường ổn định, chỉ tăng từ 1,5%-2%. Tuy nhiên, so với mức tăng của các đồng tiền khác trên thế giới thì đây không phải là mức cao.
Ông Phước cũng cho rằng nếu một đồng tiền trên thế giới biến động quá mạnh thì nhà điều hành đã có rất nhiều kinh nghiệm để ứng xử, đặc biệt tỷ trọng của đồng tiền đó tại Việt Nam không lớn như euro. “Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ có biện pháp ứng xử tốt nhất để không ảnh hưởng tới nền kinh tế,” ông Phước nói.
Về phía cơ quan quản lý, ông Phạm Chí Quang-Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết tỷ giá USD/VND hiện nay tăng trên 2% so với cuối năm 2021 là phù hợp với điều kiện, diễn biến thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với mục tiêu xuyên suốt của điều hành chính sách tiền tệ là góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp điều hành đồng bộ thanh khoản VND để hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại tệ và mặt bằng lãi suất. Những năm gần đây, khi điều kiện thị trường thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.
Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân; trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế./.