“Mục tiêu của doanh nghiệp Hoa Kỳ là cung cấp điện giá cả phải chăng, đáng tin cậy và bền vững cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Đồng thời giúp phát triển toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp địa phương cũng như nhiều công ty Hoa Kỳ đang mong muốn phát triển hơn nữa tại Việt Nam…”
Đó là nhận định của ông John Rockhold, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam và AmCham Hà Nội, tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ với chủ đề “Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghiệp và năng lượng Hoa Kỳ”, ngày 13/9. Đây là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” năm 2023 do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
DOANH NGHIỆP MỸ MUỐN CUNG CẤP NĂNG LƯỢNG SẠCH “GIÁ PHẢI CHĂNG” CHO VIỆT NAM
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa qua và cho rằng để có được những thành quả hợp tác kinh tế thương mại tốt đẹp như hiện nay, phải kể đến sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong suốt chặng đường gần 30 năm qua.
Những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến vững chắc của các nhà đầu tư trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác và khẳng định cam kết đầu tư lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng.
Chủ tịch John Rockhold nhận định, các thành viên AmCham đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, cung cấp hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp chất lượng cao.
AmCham đánh giá, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sạch với giá cả hợp lý. Tỷ lệ nguồn điện tái tạo cho người tiêu dùng Việt Nam lên tới 65%. Chỉ trong một vài tháng, có hơn 40% nguồn điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Điều này đưa Việt Nam vào top 5% các nước trên toàn thế giới, xét về tỷ trọng nguồn điện tái tạo trong cơ cấu nguồn.
Hơn nữa, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam nên ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phù hợp, đáng tin cậy và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này đòi hỏi hỗ trợ tài chính cũng như kỹ thuật từ các nguồn lực bên ngoài và các dự án cần phải thực tế, có khả năng sinh lợi để thu hút vốn.
Trong lĩnh vực này các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể hợp tác nhiều hơn nữa với Việt Nam, mang các dự án điện, năng lượng chất lượng cao cũng như công nghệ, dịch vụ và phương thức kinh doanh tiên tiến đến Việt Nam.
CUNG CẤP CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU PHÁT THẢI CHO VIỆT NAM
Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam trong chuyển đổi nhiên liệu cho điện than, khí & LNG trong trung hạn có thể mang lại các giải pháp giảm thiểu phát thải cho Việt Nam, tạo ra nguồn điện sạch dồi dào, có giá cả phải chăng.
Việt Nam đã thải ra 326 triệu tấn CO2 vào năm 2021. Với công nghệ của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể giảm ít nhất 46 triệu tấn khí thải, vượt xa cam kết giảm 9% khí thải vào năm 2030 của Việt Nam. Thay vì đầu tư vào các công nghệ có năng suất thấp, độ tin cậy thấp, chi phí dự án cao, Việt Nam có thể tiết kiệm tới 12 tỷ USD vào năm 2030 bằng cách sử dụng công nghệ hiện có của các thành viên Hội đồng Than Hoa Kỳ.
“12 tỷ USD tiết kiệm được, có thể tái sử dụng vào các sáng kiến và dự án đầu tư khác nhằm giảm dấu ấn carbon trong hoạt động sản xuất và phân phối điện. Chúng tôi mong muốn được ngồi lại với các công ty điện than Việt Nam để trao đổi về cách thức hợp tác giữa hai bên với kết quả mang lại có thể kiểm chứng được trong vài tháng”, đại diện AmCham đề xuất.
Ngoài ra, đại diện AmCham nhận định, quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam sang hướng phát triển điện gió ngoài khơi có tiềm năng mang lại hàng trăm tỷ USD từ việc phát triển kinh doanh chuỗi cung ứng mới cho ngành công nghiệp này. Chuỗi cung ứng này bao gồm từ các xưởng đóng tàu và đúc thép, cho đến các nhà cung cấp dịch vụ cần thiết để hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất đối với việc phát triển chuỗi cung ứng độc lập là khả năng tiếp cận nguồn tài chính quốc tế. Bằng cách tạo ra các cơ chế bảo lãnh, trong đó các bên cho vay của Hoa Kỳ có được sự đảm bảo cần thiết để cấp vốn cho các dự án chuyển dịch năng lượng quy mô lớn, Việt Nam có thể cải thiện đáng kể khả năng cấp vốn của các ngân hàng Việt Nam. Đồng thời tiếp cận những hỗ trợ tài chính ưu đãi, chi phí thấp đang chờ để hỗ trợ Việt Nam đạt được an ninh và tự chủ về năng lượng.
“Tôi tin rằng yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, hợp lý, có thể dự đoán, coi trọng sự đổi mới. Điều này không chỉ để thu hút đầu tư năng lượng, năng lượng mới mà còn để duy trì và phát triển các khoản đầu tư vào chuỗi cung ứng hiện có”, Chủ tịch AmCham nhấn mạnh.
Nguồn: vneconomy.vn