Nhiều trường hợp được tiếp cận vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước nhưng chỉ một số trường hợp được miễn lãi khi đáp ứng tiêu chí bên cho vay đưa ra…

ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đề xuất Thông tư Quy định về cho vay đặc biệt có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo thông tư quy định về việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và/hoặc tổ chức tín dụng khác đối với tổ chức tín dụng. Việc cho vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đối với tổ chức tín dụng và việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

Đối tượng áp dụng là (1) tổ chức tín dụng; (2) tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cho vay đặc biệt.

BA TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC CHO VAY ĐẶC BIỆT

Dự thảo quy định Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt bằng nguồn tiền từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền trong 3 trường hợp sau.

Một là, cho vay đặc biệt để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô bị rút tiền hàng loạt.

Hai là, cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt

Ba là, cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Ngân hàng Nhà nước quyết định miễn tiền lãi của khoản vay đặc biệt của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt tại Ngân hàng Nhà nước khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: a) Khoản vay đặc biệt được áp dụng mức lãi suất 0%/năm trong một phần thời gian tổ chức tín dụng vay đặc biệt;  b) Phương án cơ cấu lại của tổ chức tín dụng có biện pháp hỗ trợ là miễn tiền lãi khoản vay đặc biệt đó.

Trường hợp tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung phương án cơ cấu lại theo hướng kéo dài thời gian thực hiện phương án hoặc không thực hiện được phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, tổ chức tín dụng phải hoàn trả số tiền lãi vay đặc biệt đã được miễn.

KHÔNG ĐƯỢC DÙNG TIỀN VAY ĐẶC BIỆT ĐỂ CHI TRẢ CHO NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN

Trong trường hợp bên vay đặc biệt là tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt thì bên vay chỉ được sử dụng tiền vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước để chi trả tiền gửi bằng đồng Việt Nam của người gửi tiền là cá nhân tại bên vay đặc biệt; việc sử dụng khoản vay đặc biệt để chi trả tiền gửi của đối tượng khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng trường hợp tổ chức tín dụng cụ thể.

Tổ chức tín dụng không được dùng tiền vay đặc biệt để chi trả cho: (1) người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024; (2) người điều hành, người quản lý (trừ người điều hành, người quản lý do cơ quan có thẩm quyền cử, chỉ định, bổ nhiệm); (3) người có liên quan của người quản lý, người điều hành, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, 4 Thông tư sau hết hiệu lực thi hành.

Thứ nhất, Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Thứ hai, Thông tư số 02/2022/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, có hiệu lực kể từ ngày 24 tháng 5 năm 2022;

Thứ ba, Thông tư số 13/2022/TT-NHNN ngày 28 tháng 10 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 10 năm 2022. và khoản 8 Điều 1 Thông tư số 14/2019/TT-NHNN ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ tư, Thông tư số 01/2023/TT-NHNN ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp thật sự cấp bách.

Nguồn: vneconomy.vn

All in one