Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ có tổng diện tích được điều chỉnh từ 1.763ha lên gần 2.204ha. Trong đó diện tích Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu là 1.485ha.
Mới đây, Nhà Trắng cho biết Công ty điều hành cảng SSA Marine (Seattle) và Công ty Gemadept sẽ công bố ý định hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam Việt Nam, bao gồm mối quan tâm chung trong việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.
Với tổng mức đầu tư lên đến 6,7 tỷ USD cùng với quy mô diện tích hơn 2.200ha, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành xây dựng.
Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ nằm tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ với 2 phân khu chính là Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu. Đây là dự án quan trọng cấp quốc gia, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 vào tháng 9/2020, điều chỉnh cục bộ vào tháng 4/2022.
Tại hội thảo góp ý phương án đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ ngày 1/10/2022, đơn vị tư vấn – Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng và kỹ thuật biển (Portcoast) đưa ra hình thức đầu tư theo hai phương án đấu giá, chọn một nhà đầu tư duy nhất hoặc nhiều nhà đầu tư; phân kỳ đầu tư cảng.
Theo đó, Portcoast đề xuất, trong giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030 đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích 891,17ha; giai đoạn 2 từ sau năm 2025 đầu tư xây dựng bến cảng Cái Mép Hạ Hạ lưu với diện tích 594,33ha. Tổng mức đầu tư dự án là 154.391 tỷ đồng.
Gần đây, tháng 6/2023, tại cuộc họp tập thể UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nghe báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, theo báo cáo của Sở GT-VT và đơn vị tư vấn, đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ có tổng diện tích được điều chỉnh từ 1.763ha lên gần 2.204ha.
Trong đó diện tích dự án khoảng 1.687ha, bao gồm: Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu là 1.485ha, diện tích mặt nước giảm còn khoảng 202ha. Bên cạnh đó, đất dự trữ kho năng lượng sạch với gần 198ha sẽ được điều chỉnh thành đất phục vụ logistics và cảng, diện tích còn lại quy hoạch thêm khu mặt nước tiềm năng.
Việc điều chỉnh quy hoạch nhằm kéo dài bến cảng ra phía luồng để có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lớn nhất thế giới, đến 250.000 tấn (24.000 TEU). Ngoài ra, đất dự trữ kho năng lượng sạch với gần 198ha sẽ được điều chỉnh thành đất phục vụ logistics và cảng, đồng thời quy hoạch thêm khu mặt nước tiềm năng.
Ngoài Gemadept và đối tác đến từ My, có 7 nhà đầu tư khác đang quan tâm đến dự án gồm Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco; Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế – ITC (Liên doanh Geleximco – ITC); Liên danh Việt Nam – EU giữa Besix – Boskalis – Hateco; Công ty Cổ phần IMG Innovations; Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương; Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời; Công ty Cổ phần Công nghệ – Viễn thông Sài Gòn; Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn.
Trung tâm này khi được hoàn thiện sẽ giúp giải quyết bài toán tối ưu hóa chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ tất cả các đầu mối giao thông, từ đường bộ, đường biển, đường sắt cho đến hàng hàng không; là trung tâm tiếp nhận, lưu trữ, sơ chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn, phân phối hàng hóa phục vụ các KCN lân cận, cụm cảng CM-TV nói riêng, cảng Vũng Tàu và cả khu vực cảng biển Đông Nam Bộ nói chung.
Là khu vực có chức năng tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa đi, đến các tỉnh thành trong cả nước và các quốc gia trên thế giới thông qua đường biển, đường thủy nội địa và đường bộ; gắn kết với khu dịch vụ hỗ trợ khác như khu kiểm tra hải quan, biên phòng, kiểm dịch, khu tài chính ngân hàng, cơ sở đào tạo logistics.
Nguồn: cafef.vn