TP.HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng xây dựng bộ hồ sơ kêu gọi đầu tư đầy đủ, tương đồng, để nhà đầu tư có thông tin cơ bản, quyết định; đồng thời dựa trên thống nhất nhận thức rằng TP. Cần Thơ có vai trò trung tâm, đầu tàu của vùng đồng bằng sông Cửu Long để tránh tình trạng manh mún…
Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hội nghị công bố kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025, diễn ra vào cuối tuần qua tại Cần Thơ.
Thỏa thuận hợp tác cùng phát triển này, giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã được ký kết trước đó vào ngày 11/3/2023. Theo đó, trong năm 2023, TP.HCM sẽ phối hợp với các tỉnh thành vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP.HCM có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương. Hai bên cũng xúc tiến các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư thương mại giữa TP.HCM và các địa phương trong vùng.
Việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển giữa TP.HCM và các ĐBSCL nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TP.HCM cho các địa phương trong vùng.
Cũng tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM và các địa phương vùng ĐBSCL vào tháng 3/2023 này, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa TP.HCM với 13 tỉnh/thành ĐBSCL, như: Phát triển hạ tầng giao thông, du lịch, kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư thương mại, phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực,… nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa các địa phương…
Tại hội nghị công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL cuối tuần qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh: TP. Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL luôn xác định việc hợp tác phát triển với TP.HCM là hướng đi cơ bản và đúng đắn, tạo động lực, sức bật mạnh mẽ thúc đẩy phát triển, cũng như mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và giữa các địa phương trong vùng với TP.HCM.
Người đứng đầu chính quyền TP. Cần Thơ đề nghị tiếp tục hợp tác với TP.HCM phát triển vườn ươm công nghệ, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, xúc tiến mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của các địa phương, nhất là lĩnh vực bất động sản, hợp tác xuất khẩu lao động…
TP.HCM là địa phương phát triển mạnh trên hầu hết các lĩnh vực, là động lực phát triển và đầu tàu kinh tế cho các tỉnh phía Nam và cả nước. TP.HCM cũng là địa phương cung cấp nguồn nhân lực đã qua đào tạo cho các địa phương ĐBSCL, là nguồn tiêu thụ dồi dào và trung chuyển các sản phẩm của vùng ĐBSCL, như nông sản, thủy hải sản, lúa gạo,…
Với lợi thế của TP.HCM như vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết mong muốn tăng cường hợp tác về lĩnh vực y tế, nuôi trồng thủy sản,… Bạc Liêu cũng là vùng nuôi tôm đứng nhóm đầu cả nước, về cả diện tích và sản lượng. Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết tỉnh đang có kế hoạch thành lập một cụm y tế chuyên sâu với quỹ đất khoảng 30 ha và mong muốn TP.HCM giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng cho tỉnh.
Chia sẻ quan điểm và tâm huyết với lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho rằng cả TP.HCM và ĐBSCL phải cùng xây dựng bộ hồ sơ kêu gọi đầu tư đầy đủ, tương đồng, để nhà đầu tư có thông tin cơ bản, quyết định. Sự hợp tác này phải dựa trên thống nhất nhận thức rằng TP. Cần Thơ có vai trò trung tâm, là đầu tàu của vùng ĐBSCL nhằm tránh tình trạng manh mún.
Về xây dựng hạ tầng giao thông kết nối, ông Phan Văn Mãi nêu ra một số đề nghị cụ thể với các địa phương, với toàn vùng. Chẳng hạn đối với tỉnh Tiền Giang, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề nghị địa phương này quan tâm đến dự án đầu tư tuyến phà biển Gò Công – Cần Giờ, vì sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển đồng thời phát triển du lịch…
Đối với dự án tuyến đường bộ ven biển Bắc Nam đoạn TP.HCM – ĐBSCL, tuyến kết nối đường thủy TP.HCM – ĐBSCL, ông Phan Văn Mãi cũng chia sẻ cách làm mà TP.HCM đang triển khai, tương tự dự án đường sắt tốc độ cao Sài Gòn – Cần Thơ. Theo đó, TP.HCM chịu trách nhiệm mời tư vấn nghiên cứu bài bản, các chi phí nghiên cứu, tư vấn… “TP.HCM sẽ có cơ chế mời gọi các nhà đầu tư cho những lĩnh vực tiềm năng của cả TP.HCM và ĐBSCL”, ông Mãi nói.
Hợp tác phát triển giữa TP.HCM và các địa phương vùng ĐBSCL là hợp tác truyền thống đã có từ lâu và được củng cố, phát triển mạnh hơn trong thời gian gần đây. Vào tháng 3/2022, TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch đến năm 2025 và phát động chương trình “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới” hậu Covid-19.
Nguồn: vneconomy.vn