Trong cả giai đoạn 2016-2021, không có thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tỷ trọng khu vực nông nghiệp và dịch vụ có xu hướng giảm nhẹ, mức giảm dao động từ 1 – 2% trong suốt giai đoạn tham chiếu, còn khu vực công nghiệp tăng nhẹ từ 25% lên 27%.


Hai năm dịch bệnh đã tác động rất tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế các địa phương . Trong năm 2020, chỉ có duy nhất Cần Thơ chịu tác động suy thoái kinh tế với mức tăng trưởng âm 2,7% (Hình 0.2). Tuy nhiên, đến năm 2021, có tới 6/13 tỉnh bị suy thoái kinh tế, nghiêm trọng nhất là Vĩnh Long (-4,55%), Trà Vinh (-3,92%), Cần Thơ (-2,79%), và Cà Mau (-2,68%).
Công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL chưa đủ vững chắc để trở thành trụ cột kinh tế bền vững cho Vùng. Trong năm 2021, trong khi nông nghiệp vẫn duy trì đóng góp 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng thì công nghiệp và dịch vụ rơi vào suy thoái, đóng góp lần lượt -0,6 và -0,2 điểm phần trăm, dẫn đến GDP của Vùng ước tính sụt giảm 0,43% so với năm 2020.
Cả thu và chi ngân sách của Vùng đều suy giảm do tác động của COVID-19. Tổng thu nội địa và thu hải quan của ĐBSCL vẫn tăng trưởng 1% trong năm 2020 và giảm 5% trong năm 2021. Tuy nhiên, nếu tính theo giá so sánh 2010 thì thu ngân sách trong hai năm COVID-19 lần lượt giảm 2% và 6,6%. Chi ngân sách của Vùng cũng duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020 nhưng giảm nhẹ khoảng 0,5% trong năm 2021.
(Nguồn: Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL_2022)