Việt Nam là một trong số rất ít nước có tăng trưởng GDP dương trong cả hai năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong số rất ít nước có tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 thấp hơn năm 2020.

Nguyên nhân chủ yếu là biến chủng Delta xuất hiện đã làm xói mòn các biện pháp chống dịch cũ, trong khi lại chưa có vaccine. Chính sách giãn cách xã hội và phong tỏa từ tháng 5 đến tháng 9/2021 tại nhiều địa phương trên cả nước, sự thiếu linh hoạt và đồng bộ trong các biện pháp giãn cách giữa các địa phương đã gây ra sự gián đoạn, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng. Hệ quả tất yếu là các hoạt động sản xuất – kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Các chỉ số về sản xuất công nghiệp (SXCN) và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (BL HH-DV) đều sụt giảm mạnh. GDP của quý III/2021 giảm 6%, mức sụt giảm sâu nhất kể từ Đổi mới. Bất chấp đại dịch hoành hành, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng ngoạn mục, chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu trong năm 2021.

Nếu như trong năm 2020, đầu tư công và xuất khẩu là hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, thì đến năm 2021, chỉ còn lại một động lực tăng trưởng duy nhất là xuất khẩu. Vốn đầu tư ngân sách nhà nước tăng 34,5% trong năm 2020 nhưng sụt giảm mạnh (-8,6%) trong năm 2021, chủ yếu do giảm sâu trong quý III (-25,9%) và quý IV (-12%). Đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn thực hiện) trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 20 tỷ USD và 19,74 tỷ USD, giảm lần lượt 1,93% và 1,3% so với cùng kỳ. Điểm sáng lớn nhất nằm ở đầu tư tư nhân trong nước khi vẫn giữ vững mức tăng trưởng dương qua cả hai năm đại dịch, lần lượt là 3,1% vào năm 2020 và 7,2% năm 2021.

Thay đổi chỉ số SXCN, tổng mức BL HH-DV và kim ngạch XNK (12/2019 = 100) Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê (2022)
Thay đổi chỉ số SXCN, tổng mức BL HH-DV và kim ngạch XNK (12/2019 = 100)
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê (2022)

Từ cuối tháng 9/2021, với việc từng bước từ bỏ “Zero-COVID”, các biện pháp giãn cách bắt đầu được nới lỏng, các hoạt động kinh tế dần được khôi phục. Kinh tế Việt Nam quay lại mức tăng trưởng 5,22% trong quý IV/2021. Kết thúc năm 2021, Việt Nam tăng trưởng 2,58%, chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng toàn cầu, thấp hơn nhiều so với các dự báo trước đây cũng như so với mục tiêu 6% của Chính phủ.

Khủng hoảng y tế kéo theo suy giảm kinh tế đã làm khu vực doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề. So với 2020, đăng ký thành lập mới trong năm 2021 giảm 14% về số doanh nghiệp và giảm 28% về vốn. Mặc dù nhiều doanh nghiệp mới vẫn được thành lập, các doanh nghiệp hiện hữu vẫn cố bám trụ, nhưng số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể cũng tăng mạnh. Tình hình được cải thiện trong quý IV/2021 khi số doanh nghiệp giải thể giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Hai năm đại dịch khiến tổng số việc làm đăng ký mới giảm khoảng 17-18% và tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng đáng kể. Nếu như trước dịch, tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 2,2%, thì khi giãn cách xã hội, tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến lên gần 4% vào quý III/2021 trước khi giảm về 3,56% vào quý IV/2021 (cao hơn 50-60% so với cùng kỳ năm trước). Tình hình thiếu việc làm cũng trở nên nghiêm trọng, tỷ lệ thiếu việc làm là 2,97% (tăng tới 140% so với quý IV/2019). Hai chỉ số này, dù nghiêm trọng, cũng chưa phản ảnh hết khó khăn thực tế của người lao động vì số liệu thống kê thất nghiệp và thiếu việc làm của Việt Nam thường thấp hơn thực tế.

Tác động của dịch bệnh đối với các ngành không đồng nhất. Trong khi ngành vận tải sụt giảm mạnh, dịch vụ lưu trú và ăn uống sụt giảm sâu hơn 30%, ngành bất động sản có dấu hiệu đóng băng, thì các ngành khác như công nghiệp chế biến – chế tạo, tài chính – ngân hàng, xây dựng, truyền thông tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, dù chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng có mức tăng trưởng hơn 60% trong giai đoạn 2019-2021.

Các khó khăn về kinh tế ảnh hưởng ngay lập tức đến thu – chi ngân sách. Tổng thu ngân sách của Việt Nam trong năm 2020 giảm 3% so với năm 2019 trước khi phục hồi trong năm 2021. Đặc biệt thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đạt mức thu cao hơn thời điểm trước dịch. Về chi ngân sách, xu hướng tăng chi ngân sách vẫn được duy trì trong năm 2020 nhưng sụt giảm trong năm 2021 do giải ngân đầu tư công chậm trong nửa đầu 2021 và sau đó là do giãn cách xã hội và phong tỏa kéo dài. Tỷ lệ bội chi ngân sách trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 4% và 3,41% GDP, cao hơn đáng kể so với mức 2,67% của năm 2019. Tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài năm 2020 đều tăng so với năm 2019 nhưng giảm đáng kể vào năm 2021 do điều chỉnh GDP.

Trong hai năm đại dịch, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao trong những đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhưng vẫn trong vòng kiểm soát. Trong hai năm 2020-2021, giá lương thực tăng nhiều nhất (+9,6%), và ngay sau đó là thực phẩm (+8,5%). Trong năm 2021, khi kinh tế thế giới phục hồi, giá cả nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh trở lại. Giá cả nhóm mặt hàng thuốc và y tế được duy trì tương đối ổn định trong hai năm đại dịch. Chi phí giáo dục tăng cao trong giai đoạn từ tháng 8/2020 đến tháng 9/2021, chủ yếu do áp lực về việc dạy học trực tuyến. Đến cuối 2021, lạm phát chưa trở thành áp lực lớn, nhưng tình hình thay đổi đáng kể từ cuộc chiến Nga – Ukraine.

Trong hai năm đại dịch 2020-2021, mặc dù tỷ giá danh nghĩa không biến động nhiều nhưng tỷ giá hiệu dụng thực (REER) lại có xu hướng tăng mạnh từ tháng 3/2020. Về tổng thể, áp lực tăng tỷ giá hiệu dụng thực của VND so với USD có thể có tác động tiêu cực với hoạt động xuất khẩu, do đó tác động tiêu cực đến cán cân vãng lai trong thời gian tới.

Trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trở lại thì kết quả hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng lại tương đối khả quan. Sau nhiều nỗ lực giảm nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 2,46% (2016) xuống 1,63% năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch đã làm tỷ lệ nợ xấu tăng trở lại, lần lượt là 1,69% trong năm 2020 và 1,92% trong năm 2021. Nếu tính cả số nợ đã được tái cơ cấu thì tỷ lệ nợ xấu bao gồm nợ tiềm ẩn lên tới 7,31%, tương đương với năm 2017.

(Nguồn: Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL_2022)

All in one