Nếu tập trung giải quyết được hai vấn đề tín dụng và bất động sản, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, sẽ mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó thông được tín dụng ngân hàng…
Đóng góp vào đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và các vấn đề liên quan, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế xã hội còn bộc lộ những hạn chế cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục nhằm thúc đẩy phát triển…
HÀNG TRĂM DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN CHẬM TRIỂN KHAI, NẰM BẤT ĐỘNG 10-20 NĂM
Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Trường đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội đánh giá, mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam có những điểm sáng nhưng từ nay đến cuối năm và năm tới vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù đầu tư công, mức giải ngân cao hơn so với năm trước nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, xuất khẩu suy giảm. Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn.
Do đó, ông Dũng cho rằng các giải pháp đưa ra cần chọn điểm. Về tín dụng, Bí thư Hà Nội bày tỏ: “Ai cũng nói tín dụng rất khó khăn, ngân hàng thừa thanh khoản còn doanh nghiệp thiếu tiền, tiếp cận vốn thì khó khăn”. Đây có phải là vấn đề đột phá để tháo gỡ không? Ông Dũng nêu vấn đề và cho rằng nếu tháo gỡ được vấn đề này sẽ kích thích sản xuất.
Bất động sản là một nguồn lực rất lớn nhưng đang gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Ông Dũng cho biết Hà Nội có hơn 700 dự án chậm triển khai lâu năm, nằm bất động 10-20 năm. Sau khi triển khai đề án, Hà Nội đã xử lý hơn 100 dự án, thu hồi hàng nghìn ha để thực hiện đấu thầu, đấu giá. Đây là các dự án đã giao nhưng nhiều năm không khai, gây bức xúc trong nhân dân, làm mất an ninh trật tự.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội khẳng định nếu tập trung giải quyết được hai vấn đề tín dụng và bất động sản sẽ mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ kích thích thị trường bất động sản, kéo theo đó lan tỏa nguyên sử dụng nguyên nhiên vật liệu, đời sống, lao động việc làm, sẽ thúc đẩy tăng trưởng, góp phần thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó thông được tín dụng ngân hàng, thông được vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…
Không chỉ riêng Tp.Hà Nội mà những địa phương khác cũng vậy, nếu những dự án bất động sản cứ nằm ở đấy thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực Nhà nước trong khi người dân bức xúc vì đầu tư dở dang”.
Nêu kiến nghị, ông Dũng cho rằng Quốc hội nên có chỉ đạo rà soát tổng thể, giám sát các dự án bất động sản, ra Nghị quyết hoặc có chủ trương chung để giải quyết bởi vước chủ yếu bởi Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Có những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải Quốc hội mới tháo được “ngòi” vì vướng luật..
Bàn về vấn đề này, một số đại biểu đồng tình và nêu thực trạng thu ngân sách từ đất đai ở tất cả địa phương đều giảm sút do thị trường bất động sản đình trệ. Theo đại biểu, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bất động sản đang rất vướng. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng giúp khơi thông nguồn lực phát triển nhiều ngành khác.
TẠO ĐỘNG LỰC CHO DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH
Góp ý tại tổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được cũng cần lưu ý một số vấn đề còn tồn tại.
Đại biểu cho rằng nếu nhìn cả chặng đường đến năm 2023, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước ngày một giảm. Năm 2023 chỉ đạt 15,7%, thấp hơn so với quy định tại Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm. Trong năm 2022 tỷ lệ này cũng đã có xu hướng giảm. Nếu so sánh tỷ lệ huy động vào ngân sách của Việt Nam với các nước trong khu vực cũng rất thấp và nếu đối chiếu với chỉ tiêu trong Nghị quyết 23 thì chưa đạt.
Về tính bền vững của thu ngân sách, theo đại biểu Mai, mặc dù năm 2023 hoàn thành dự toán đặt ra là sự quyết liệt, cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, tăng thu từ sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Bên cạnh đó, số thu đến từ chênh lệch thu chi ngân hàng. Số thu ổn định trước đây như đất đai bất động sản sang năm 2023 đạt thấp.
Qua giám sát nhận thấy, nổi lên vấn đề nhiều địa phương không dám hành động. Các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất bên cạnh những yếu tố rủi ro có yếu tố về mặt tâm lý, nhiều địa phương cả năm không triển khai đấu giá được bất kỳ khu vực nào.
Chia sẻ với các địa phương, ngay cả khi tiến hành xác định giá đất, việc thuê các cơ quan thẩm định cũng rất khó khăn.
Liên quan đến chính sách thu, qua giám sát cho thấy, nhiều địa phương băn khoăn chính sách miễn giảm thuế. Trong cả năm 2023, số thu từ giảm thuế khoảng 75.000 tỷ. Con số này một mặt thể hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đối tượng nộp thuế nhưng mặt khác cũng tác động tới số thu của các địa phương.
Dưới góc độ thông lệ quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động bởi chính sách miễn giảm thuế rất lớn. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, về nguyên tắc, thuế là trung lập, không chịu tác động bởi các chính sách xã hội.
Việc giảm thuế đã diễn ra trong nhiều năm. “Tại những bối cảnh, thời điểm nhất định, có thể việc giảm thuế là cần thiết nhưng chúng ta phải đánh giá được hiệu quả của việc giảm thuế. Bức tranh hiệu quả của việc miễn gảm thuế chưa rõ ràng”.
Bên cạnh đó, lãi suất phát hành trái phiếu đã tăng so với năm 2022. Đây là những điểm Chính phủ cần lưu ý; đồng thời cần cân nhắc hiệu quả sử dụng nguồn lực vay. Qua giám sát tại các địa phương, bà Mai cho hay, ODA là vấn đề nhiều địa phương băn khoăn, thủ tục triển khai phức tạp; việc giải ngân là điểm hạn chế nhất trong bức tranh đầu tư công. Đại biểu mong muốn Chính phủ cần rà soát lại, chỉ huy động nguồn lực ODA cho các dự án mang tính lan tỏa…
Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Chính phủ thì giải ngân vốn đầu tư công cải thiện đáng kể. Ước giải ngân đến hết tháng 9/2023 đat 51,38% kế hoạch. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt nhưng vẫn còn có tình trạng tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước.
Đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông nhấn mạnh, đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế đòi hỏi phải huy động tối đa mọi nguồn lưc, trong đó đầu tư công được xem là một nguồn lực quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch hiện nay.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công thời gian qua mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số bất cập như hệ số ICOR của khu vực nhà nước còn cao, việc chậm giải ngân vốn, còn tình trạng lãng phí nguốn vốn nhà nước…
Bên cạnh đó việc giao vốn một số chương trình mục tiêu còn chậm nên các địa phương, Bộ ngành không kịp triển khai. Do vậy, cần khắc phục triệt để vấn đề này một cách căn cơ trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Như So, đoàn Bắc Ninh đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó, có giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; triển khai nhanh, mạnh, kịp thời chính sách giãn, hoãn, gia hạn, cơ cấu lại nợ; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu.
Còn đại biểu Lê Minh Nam, đoàn Hậu Giang đề nghị có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn bởi nguồn thu từ đất và tài nguyên không bền vững, do vậy cần tập trung vào các doanh nghiệp có thế mạnh trong từng lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, khoáng sản…, có chính sách thiết thực hơn liên quan đến thuế, đầu tư, tiếp cận đất đai, tạo xung lực dẫn dắt thúc đẩy nền kinh tế phát triển.