Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: “Tầm nhìn và định hướng phát triển của Việt Nam và Saudi Arabia có rất nhiều điểm tương đồng, nhất là những đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Hai nền kinh tế có những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, vì vậy, các nhà đầu tư có thể yên tâm với môi trường đầu tư ổn định, lành mạnh, bền vững tại Việt Nam…
Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Saudi Arabia, sáng 19/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Riyadh (Vương quốc Saudi Arabia), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Saudi Arabia.
Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp của Saudi Arabia tổ chức.
MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH TẠI VIỆT NAM NGÀY CÀNG ĐƯỢC CẢI THIỆN
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã nghe lãnh đạo các bộ, ngành giới thiệu về tiềm năng hợp tác giữa hai nước, chính sách thu hút đầu tư của mỗi bên. Các doanh nghiệp Saudi Arabia đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện tại Việt Nam; đồng thời tìm hiểu về cơ hội hợp tác đầu tư, kết nối kinh doanh, nêu các kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành hai nước và đề xuất các dự án hợp tác cụ thể với mong muốn tạo ra những giá trị mới và động lực tăng trưởng mới để thúc đẩy, nâng tầm quan hệ hợp tác kinh tế hai nước về chất và đi vào chiều sâu trong thời gian tới.
Ông Hassan Al Hwaiziy, Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Saudi Arabia cho biết nước này có nhu cầu tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam. Năm 2022, Saudi Arabia xuất khẩu hơn 400 tỷ USD hàng hóa, trong đó có 84 tỷ USD là các sản phẩm phi dầu mỏ. Mặt khác, hàng loạt lĩnh vực khác với những triển vọng hợp tác to lớn cũng đang mở ra với cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực, như sản xuất thép, năng lượng mặt trời, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, công nghệ thông tin, dệt may…
Qua đó, góp phần thúc đẩy nâng tầm mối quan hệ giữa hai nước tương xứng với vai trò, vị thế và tình hữu nghị giữa hai nước, vì sự phồn vinh và thịnh vượng, hướng tới kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2024.
Các ý kiến cho rằng quan hệ hữu nghị và hợp tác bền chặt giữa Việt Nam-Saudi Arabia thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả; hướng đến tầm cao mới dựa trên sự tin tưởng chân thành, chia sẻ lợi ích, thành quả hợp tác, tình hữu nghị vững chắc. Hợp tác kinh tế – đầu tư – thương mại đóng vai trò quan trọng, luôn được quan tâm thúc đẩy phát triển.
Về đầu tư, lũy kế tới tháng 9/2023, Saudi Arabia có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 8,27 triệu USD, đứng thứ 79/144 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.
Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước 9 tháng năm 2023 đạt trên 2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Saudi Arabia đạt gần 850 triệu USD, và nhập khẩu từ Saudi Arabia là 1,2 tỷ USD.
Về hợp tác phát triển, Việt Nam và Quỹ Saudi Arabia đã ký hơn 10 dự án với tổng vốn ODA khoảng trên 165 triệu USD.
Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý, cơ chế hợp tác song phương và đa phương, tạo nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế – đầu tư -thương mại giữa hai nước phát triển trên tinh thần cùng có lợi và bổ trợ lẫn nhau.
TẠO NỀN TẢNG, MÔI TRƯỜNG CHO CÁC NHÀ ĐẦU HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ, LÂU DÀI TẠI VIỆT NAM
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong thời gian qua phát triển rất tích cực trên nhiều phương diện chính trị, ngoại giao, kinh tế. Tuy nhiên, hiểu biết lẫn nhau giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước vẫn còn những hạn chế.
Chia sẻ một số nét lớn về lịch sử, những định hướng lớn của Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiếp tục xây dựng nền dân chủ XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; kiên trì chính sách quốc phòng “4 không”. Điều này sẽ tạo môi trường cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, ổn định, bền vững, lâu dài tại Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong đường lối của Việt Nam, yếu tố xuyên suốt là con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam cũng tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Về tình hình hiện nay của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, sau gần 4 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Quy mô nền kinh tế năm 2022 đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu trên 4.100 USD. Năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt trên 730 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện với tất cả các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; ký kết 16 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP).
Từ đầu năm 2023 đến nay, trước tình hình lạm phát neo ở mức cao và tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao ở nhiều nước, Việt Nam tiếp tục đạt những kết quả quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
DƯ ĐỊA VÀ TIỀM NĂNG HỢP TÁC CÒN RẤT LỚN
Thủ tướng cho rằng tầm nhìn và định hướng phát triển của hai nước tới năm 2030 có rất nhiều điểm tương đồng, nhất là những đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Hai nền kinh tế có những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, với chủ trương đẩy mạnh những lĩnh vực mới nổi, như phát triển đô thị, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu…
Mặt khác, những kết quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư vừa qua giữa hai nước cho thấy, dư địa hợp tác giữa hai bên còn nhiều, tiềm năng còn rất lớn. Đặc biệt, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với nguồn lao động dồi dào, trình độ ngày càng cao, phù hợp với những định hướng của Saudi Arabia.
Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam cam kết luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào; luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, ổn định, lành mạnh và bền vững; giữ vững độc lập, chủ quyền, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để nhà đầu tư yên tâm hoạt động.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn sẵn sàng chào đón và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư Saudi Arabia.
Với vị thế và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam và Saudi Arabia có vai trò quan trọng tại khu vực ASEAN và GCC. Vì vậy, Thủ tướng mong muốn Việt Nam và Saudi Arabia sẽ phối hợp chặt chẽ, cùng nhau trở thành cầu nối để doanh nghiệp hai bên không chỉ cùng tham gia thị trường lẫn nhau mà còn mở rộng ra cả khu vực tiềm năng, rộng lớn ASEAN và GCC.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Saudi Arabia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động quảng bá môi trường đầu tư, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Saudi Arabia để cùng nhau triển khai các hoạt động kinh doanh hiệu quả, thành công, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước.