Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được Quảng Ninh tiếp tục coi trọng và sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn lực này trở thành động lực phát triển quan trọng của địa phương trong thời gian tới.
Những con số “biết nói”
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh chọn chủ đề “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Trong đó, đề ra mục tiêu thu hút vốn FDI vào khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đạt 1,5 tỷ USD; ưu tiên các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu… Đây là kết quả từ nỗ lực của tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trong các dự án thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn, số dự án thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo, có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao chiếm đa số, đúng theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Trong đó, có 3 dự án quy mô lớn với vốn đầu tư trên 100 triệu USD, thực hiện tại địa bàn các KCN, KKT, đặc biệt là các KCN thuộc KKT ven biển Quảng Yên. Đối với các dự án thu hút mới, Singapore dẫn đầu về tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Đài Loan, Thụy Điển, Trung Quốc, Nhật Bản, Seychelles, Hồng Kông, Hàn Quốc.
Đặc biệt, bên cạnh việc tiếp tục thu hút vốn FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống, lần đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển. Đó là dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam đầu tư vào KCN Sông Khoai (thị xã Quảng Yên). Dự án có tổng mức đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu, công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm, qua đó góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào Quảng Ninh lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nổi bật là cuối tháng 6/2023, tỉnh Quảng Ninh tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Foxconn để xây dựng 2 nhà máy trị giá gần 250 triệu USD tại KCN Sông Khoai (thị xã Quảng Yên). Hai dự án này dự kiến giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động địa phương, đồng thời nâng số dự án của Tập đoàn tại Quảng Ninh lên 3 dự án với tổng vốn trên 300 triệu USD.
Điều đáng nói là, hai dự án trên được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ tới 14 ngày làm việc so với quy định.
Cũng tại KCN Sông Khoai, cuối tháng 6/2023, Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long và Công ty TNHH Castem Việt Nam đã ký kết hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất (45 năm) để triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất và kinh doanh các chi tiết cơ khí chính xác, với trị giá gần 19 triệu USD. Đây là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai và dự kiến có thêm 7 doanh nghiệp Nhật Bản nữa đầu tư vào KCN này.
Trong khi đó, KCN Bắc Tiền Phong (trong Tổ hợp KCN DEEP C Quảng Ninh thuộc KKT ven biển Quảng Yên) thu hút được khoảng 2,59 tỷ USD trong các lĩnh vực bất động sản công nghiệp, công nghiệp ô tô, máy móc, PPE, linh kiện điện tử, hóa dầu… đến từ các nhà đầu tư BW (Singapore); Shinetsu (Nhật Bản); Sunrise, Fanstech (Trung Quốc); Eva Precision (Hồng Kông), Boltun (Đài Loan).
Còn ở KCN Texhong Hải Hà, đến nay đã có 19 dự án thứ cấp với tổng diện tích đất và hạ tầng đã cho thuê lại với diện tích 262 ha. Tổng vốn đầu tư đã đăng ký của các dự án thứ cấp này và một dự án hạ tầng khác đạt hơn 1,4 tỷ USD. Ngoài ra, có 8 dự án đã ký hợp đồng nguyên tắc thuê đất, thỏa thuận hợp tác với tổng diện tích đất sử dụng gần 140 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1,7 tỷ USD. Trong đó, có dự án của Jinko Solar số 4, 5, chuyên sản xuất pin năng lượng mặt trời có tổng số vốn khoảng 1,5 tỷ USD (dự kiến được cấp giấy chứng nhận đầu tư cuối năm nay), qua đó, nâng tổng số vốn đầu tư của Jinko Solar tại Quảng Ninh lên con số 2,6 tỷ USD.
Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp
Hiện tại, các KCN như Cái Lân, Hải Yên, Đông Mai, Việt Hưng, Texhong Hải Hà… đã cơ bản đầu tư đồng bộ hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu đối với các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động, trở thành các trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo của tỉnh. Các KCN như Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng nội khu, song hành với việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy.
Việc phát triển hạ tầng KCN của Quảng Ninh còn gắn liền với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động, để thu hút nguồn lao động, tăng sức hút với các nhà đầu tư thứ cấp. KCN Hải Yên đã có khu nhà ở cho người lao động được đưa vào sử dụng từ lâu, trong khi KCN Đông Mai và KCN Sông Khoai đang được xây dựng.
Theo đánh giá của một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, Quảng Ninh đang đón làn sóng đầu tư mới. Để nhanh chóng nắm bắt tốt cơ hội này, ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata cho biết, Công ty đang tập trung nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng, tiện ích nội khu một cách nhanh nhất để thu hút khoảng 1,2 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023 vào KCN Sông Khoai – Amata Hạ Long. Tại KCN này, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp chặt chẽ với chính quyền thị xã Quảng Yên để tập trung giải phóng mặt bằng đối với những diện tích còn lại thuộc các giai đoạn đầu tư. Và mới đây, ngày 7/10, Ban Quản lý dự án phát triển điện lực (Tổng công ty Điện lực miền Bắc) tổ chức bàn giao, đưa công trình đường dây cấp điện cho Trạm biến áp 110 kV Amata 1 tại KCN Sông Khoai vào vận hành, sử dụng.
Còn ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C chia sẻ: “Trong năm 2023, chúng tôi tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Tiền Phong. Với những giải pháp mang tính tổng thể của tỉnh, việc tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng tại KCN Bắc Tiền Phong sẽ là yếu tố quan trọng để đóng góp cùng với tỉnh Quảng Ninh thu hút 1,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh trong năm nay”.
Hạ tầng KCN được đầu tư xây dựng đồng bộ, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phát triển, với trọng tâm là kết nối giao thông đồng bộ với các trung tâm kinh tế, du lịch, cửa khẩu của tỉnh, tạo nền tảng quan trọng để Quảng Ninh thu hút dòng vốn FDI chất lượng.
FDI là động lực quan trọng
Quảng Ninh luôn xác định rõ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với phát triển bền vững là động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Chia sẻ về định hướng thu hút FDI của Quảng Ninh, ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh (QEZA) cho biết: “Năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Quảng Ninh cũng đang rất tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chủ động tìm kiếm và lựa chọn các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong chiến lược phát triển, Quảng Ninh xác định tập trung thu hút vốn FDI thế hệ mới có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh vào thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, bên cạnh ưu tiên thị trường Mỹ, EU, Singapore…”.
Nguồn vốn FDI vào Quảng Ninh trong 9 tháng năm 2023 chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đúng theo định hướng đã được đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025. Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU ngay đầu nhiệm kỳ và đến nay, sau hơn 2,5 năm thực hiện, Quảng Ninh đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử, cơ khi chính xác…, với các thương hiệu lớn như Jinko Solar, Foxconn, Castem, ICCK, Boltun, BW, Shinetsu, Siterwell…
Theo ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để Quảng Ninh phát triển, tỉnh luôn xác định thu hút các tập đoàn đa quốc gia, đa ngành, có vai trò dẫn dắt vào những ngành nghề, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt. Tỉnh cũng đang tập trung đẩy nhanh công tác lập các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch phát triển KKT, KCN, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bám sát và đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.
Rõ ràng, Quảng Ninh đang là vùng đất hứa hẹn mang lại sự phát triển cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, nhất là khi hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh như cao tốc, sân bay, bến cảng… liên tục được đầu tư, hoàn thiện. Bên cạnh đó, những cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng như hỗ trợ đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh về kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về vốn tín dụng… đã tạo được sự yên tâm cho nhà đầu tư.