Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư tập đoàn VinaCapital Group nhận định hiện là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định rằng năm 2024 là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mới đây, trang CNBC của Mỹ đã dẫn ý kiến giới phân tích dự báo các thị trường tăng trưởng hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương trong nửa đầu năm 2024 sẽ là Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản.
Theo hãng này, Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2024 nhờ xuất nhập khẩu tăng mạnh và hoạt động sản xuất tăng cao.
Những tín hiệu lạc quan ở thị trường Việt Nam cũng khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trong năm 2023. Theo dữ liệu của Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), từ tháng 1-11/2023, các khoản FDI cam kết đầu tư vào Việt Nam đã đạt 29 tỷ USD.
Ông Tyler Nguyễn, Phó Chủ tịch Công ty chứng khoán Maybank Securities Vietnam, các nhà đầu tư cũng nên lạc quan về lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam. “Lĩnh vực này đang tăng trưởng 20-30% mỗi năm và thương mại điện tử chỉ chiếm 2-3% doanh số bán lẻ,” chuyên gia này cho hay.
Về khả năng Việt Nam gia nhập danh sách các nền kinh tế thị trường mới nổi của chỉ số MSCI (Mỹ), ông Tyler Nguyễn cho biết nền kinh tế cận biên vẫn “ở giai đoạn rất non trẻ”, nhưng “có những chỉ dấu khả quan trong năm 2025.”
Trong khi đó, ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư tập đoàn VinaCapital Group nhận định hiện là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trả lời hãng CNBC, ông Andy Ho cho biết: “Trong 6-12 tháng tới, Việt Nam là thị trường tăng trưởng tốt vì mức định giá khá thấp, thấp hơn khoảng 20-25% so với mức trung bình của khu vực. Khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày ở Việt Nam đã tăng từ 500 triệu USD trong năm 2022 lên khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày ở thời điểm hiện nay. Lĩnh vực tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và bất động sản đem lại nhiều cơ hội đầu tư.”
Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực so với các thị trường ở khu vực và trên thế giới. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ước đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2022, tương đương khoảng 62% GDP năm 2022 với 739 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt trên 17.500 tỷ đồng/phiên. Số tài khoản nhà đầu tư mới tăng trên 350.000 tài khoản, đưa tổng số lượng hiện có 7,4 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số.
Bước sang năm 2024, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục được dự báo diễn biễn phức tạp. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, với sự điều hành linh hoạt và những giải pháp quan trọng của Chính phủ và những nền tảng đã đạt được trong năm 2023, thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội phát triển cả về quy mô và chất lượng theo hướng bền vững trong năm 2024, cũng như các năm tiếp theo.
Tính từ đầu năm 2024 tới nay, chỉ số VN-Index đã tăng từ mốc 1.130 điểm cuối năm 2023 lên mức hơn 1.169 điểm, thanh khoản chung có xu hướng tăng dần trong 3 tuần đầu tháng 1/2024, cải thiện đáng kể so với những tuần cuối năm 2023.
Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, các đơn vị liên quan để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên thành thị trường chứng khoán mới nổi.
Theo một báo cáo của hãng tư vấn Tisco Advisory thuộc ngân hàng Tisco (Thái Lan), thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài trị giá 4 tỷ USD trong năm 2024.
Theo Tisco Advisory, nếu trở thành một thành viên mới trong các thị trường chứng khoán mới nổi, Việt Nam dự kiến sẽ có tỷ trọng trong Chỉ số Thị trường Mới nổi (FTSE Emerging Markets Index) khoảng 1%. Và khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút đầu tư từ các quỹ thụ động nước ngoài lên tới 800 triệu USD, gấp 5 lần các quỹ hoạt động nước ngoài. /.
Nguồn: vietnamplus.vn