Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa thống nhất chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm sẽ là động lực quan trọng để đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa công trình hạ tầng giao thông có quy mô vốn lớn nhất đất nước từ trước đến nay.

tocdocao 1
Ảnh minh hoạ

Trước đó, chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Tổng thư ký Quốc hội kiến nghị đưa vào chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Trong trường hợp được Quốc hội thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để công trình – được kỳ vọng là sẽ làm thay đổi diện mạo giao thông đường sắt – chính thức bước vào giai đoạn thực hiện.

Lẽ dĩ nhiên, để có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ tám, khai mạc ngày 21/10/2024, Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam cần phải trải qua nhiều khâu đánh giá, nhiều bước thẩm định quan trọng từ các cơ quan có thẩm quyền.

So với thời điểm chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam lần đầu được trình Quốc hội vào tháng 5/2010, tới nay đã xuất hiện thêm nhiều bối cảnh thuận lợi.

Tại Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã định hướng “xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới”. Trong nhiều văn kiện, Đảng và Nhà nước cũng xác định mục tiêu đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cùng với cơ sở chính trị trên, những diễn biến thực tế và dự báo khoa học đều cho thấy nhu cầu cần sớm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc – Nam một cách tối ưu, bền vững, để tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.

Cần phải nói thêm rằng, hành lang Bắc – Nam chính là trục xương sống của đất nước khi chiếm tới 54% dân số đô thị, 72% cảng biển loại I – II, 67% khu kinh tế ven biển,  khoảng 63% khu kinh tế, 40% khu công nghiệp, trên 51% GDP cả nước. Hành lang này còn kết nối 2 đô thị đặc biệt, 17 đô thị loại I quy mô dân số 500.000 dân.

Được biết, để hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án, từ tháng 4/2023 đến nay, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đã tổ chức nhiều đoàn công tác liên ngành khảo sát tại 6 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển trên thế giới. Bộ này còn phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức 3 hội thảo về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu các ý kiến của Hội đồng Thẩm định nhà nước, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương; các ủy ban của Quốc hội; 24 bộ, ngành tham gia Ban Chỉ đạo; kết quả đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, Thường trực Chính phủ… để hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi.

Thời gian chuẩn bị trình Quốc hội không còn nhiều, đòi hỏi Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Do vai trò rất quan trọng của Dự án đối với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đất nước; quy mô đầu tư rất lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, thời gian thực hiện dài qua nhiều thời kỳ…, nên việc chuẩn bị thật tốt Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi với những luận điểm khoa học sẽ không chỉ thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền, Quốc hội thông qua, mà còn góp phần tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Đây cũng là nền tảng quan trọng giúp ngành đường sắt tăng tốc, có bước nước rút về đầu tư hạ tầng trong “thập kỷ bùng nổ đầu tư đường sắt giai đoạn 2025 – 2035”; góp phần đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Nguồn: baodautu

All in one