(FDI Việt Nam) – Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo tỉnh Thái Bình tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối tỉnh Thái Bình với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền Trung.

thái bình trung tâm kết nối
Một góc thành phố Thái Bình – Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN.

Ngày 19/5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 243/TB-VPCP, ghi nhận kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình.

Thông báo nhấn mạnh: Thái Bình, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đang có sự chuyển mình mạnh mẽ từ một tỉnh thuần nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hiện đại. Tỉnh này sở hữu nhiều tiềm năng vượt trội để bứt phá, với vị trí chiến lược quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Thái Bình đóng vai trò kết nối tam giác phát triển trọng điểm gồm Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Ngoài ra, tỉnh còn có nguồn lao động dồi dào, cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi với đường bờ biển dài hơn 50km và tiềm năng lấn biển lớn, cho phép khai thác hiệu quả quỹ đất.

Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã thể hiện sự đoàn kết, lãnh đạo và chỉ đạo sát sao, mang lại nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên mọi lĩnh vực. Từ kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng cho đến công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, tất cả đều góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Nổi bật, GRDP quý I năm 2025 của tỉnh đã tăng 9,04%, mức cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2024 và vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước. Ước tính, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm sẽ đạt 8,36%/năm, đưa quy mô GRDP năm 2025 lên 151,2 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2020.

Nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện nông thôn mới tiếp tục là điểm sáng; công nghiệp phát triển nhanh với động lực chính là công nghiệp chế biến, chế tạo. Công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện có bước phát triển; công nghiệp năng lượng giải quyết được điểm nghẽn, đưa vào hoạt động các nhà máy nhiệt điện (với tổng công suất 1.800 MW) và đang tích cực triển khai Dự án điện khí LNG (công suất 1.500 MW). Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 đạt 67,2% dự toán, tăng 60,8% so với cùng kỳ.

Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến rõ nét trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 20% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn mức trung bình cả nước. Nhiều dự án hạ tầng giao thông chiến lược được tháo gỡ vướng mắc và khởi công như tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (đoạn qua Nam Định, Thái Bình) và tuyến đường bộ ven biển.

Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và lao động được chú trọng đầu tư. Đặc biệt, tỉnh đang tích cực triển khai phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc” với mục tiêu hoàn thành trước ngày 20/6/2025.

thái bình
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với Ban Thường vụ tỉnh uỷ Thái Bình về tình hình phát triển kinh tế-xã hội – Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: kinh tế-xã hội chưa có sự phát triển đột phá và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, với bề dày lịch sử văn hóa của Tỉnh; ngành nông nghiệp chuyển đổi chưa nhanh, công nghiệp đa số vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại, dịch vụ còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Thái Bình cần chủ động, quyết liệt triển khai Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Lưu ý xây dựng trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp xã, bảo đảm thực hiện thông suốt, hiệu quả dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến không phụ thuộc và địa giới hành chính, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, tỉnh Thái Bình cần khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Kích hoạt mọi nguồn lực, tập trung thúc đẩy tăng trưởng, quyết tâm tăng trưởng hai con số trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Phát triển hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, khai thác tốt những mặt hàng có thế mạnh, nhất là đặc sản địa phương; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì, sản phẩm; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Bộ Chính trị gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư cho hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối tỉnh Thái Bình với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Trung, thông qua thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh kết nối với Trung Quốc, đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Thái Bình nghiên cứu các phương án lấn biển để phát triển công nghiệp, xây dựng sân bay, cảng biển… Đối với các vùng đất nông nghiệp có sẵn thì tập trung chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Thái Bình tập trung thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm truyền thống và chuỗi cung ứng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, chi phí thủ tục hành chính; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỉnh cần tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng chiến lược và các dự án, công trình trọng điểm đang được triển khai. Đặc biệt, phải phấn đấu hoàn thành Dự án cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình, trong năm 2026. Đồng thời, đặt mục tiêu hoàn thành Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường trong vòng hai năm kể từ khi khởi công.

Song song đó, tỉnh cũng cần tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện tốt, nhằm ngăn chặn phát sinh điểm nóng hay tình trạng khiếu kiện đông người.

Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, kiên quyết không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thái Bình cũng đặt quyết tâm về đích sớm trong phong trào “Cả nước xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025” và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 một cách an toàn, nghiêm túc và hiệu quả.

Nguồn: Vietnam+

All in one