Tận dụng các cơ hội từ quan hệ đối tác chiến lược với các đối tác lớn trên toàn cầu, từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt Top 40 nền kinh tế hàng đầu, Top 20 quốc gia thương mại dẫn đầu thế giới, với quy mô kinh tế 435 tỷ USD.

a t24
Năng lực cung ứng của ngành dệt may đạt gần mức 50 tỷ USD nhờ thu hút đầu tư nước ngoài và Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Đ.T

Vươn mình

Liên tục 6 năm qua, đoàn doanh nghiệp cấp cao của Mỹ, gồm các “ông lớn” như Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Visa, Citibank, Meta, Amazon… có chuyến công du thường niên đến Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, hợp tác thương mại. Chất lượng của chuyến đi được nhìn thấy rõ khi nhiều doanh nghiệp sau đó cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, tăng đầu tư vào Việt Nam.

Sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tới thị trường Việt Nam đang tăng cao, sau khi Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước được xác lập.

Suntory PepsiCo (Mỹ), mới đây khởi công xây dựng nhà máy thứ 6 tại Việt Nam, với tổng vốn hơn 300 triệu USD. Tương tự, Coca-Cola đang xây dựng nhà máy thứ 4 ở miền Nam, với công suất 1 tỷ lít/năm, vốn đầu tư 136 triệu USD.

Nhưng không chỉ đón tiếp các đoàn doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam còn là điểm dừng chân tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh của hàng loạt quốc gia và nền kinh tế, như Trung Quốc, ASEAN, châu Âu, Australia…

Việc các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam với tần suất dày hơn ghi nhận vị thế của Việt Nam, nhờ các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu không ngừng tăng trưởng, môi trường đầu tư – kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Cam kết của các nhà đầu tư, sự tín nhiệm với các nhà cung ứng Việt Nam được thể hiện ở việc năm qua, nước ta thu hút gần 37 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 690 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục 28 tỷ USD (cao gấp đôi năm 2022). Những con số này càng trở nên “lung linh” hơn nếu nhìn trong bức tranh kinh tế toàn cầu suy yếu, lạm phát, cầu hàng hóa giảm đáng kể.

Năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp, cán cân thương mại xuất siêu, ghi nhận sự tiến bộ của ngành sản xuất, sự tự chủ nguồn cung nguyên liệu nội địa, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.

Dấu ấn gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007, ký kết và thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Ngay lúc này, Việt Nam chuẩn bị kết thúc đàm phán FTA song phương với Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), đồng thời đang đàm phán 2 FTA, gồm FTA ASEAN – Canada, FTA Việt Nam – EFTA (các nước thành viên là Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), tiến tới khởi động đàm phán FTA với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mecosur, gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay).

Quá trình mở cửa nền kinh tế, tham gia nhiều FTA đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam.

Nếu năm 2006, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD (xuất khẩu 39,8 tỷ USD và nhập khẩu 44,9 tỷ USD), thì năm 2021 đã tăng lên 668,5 tỷ USD (xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD và nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD). Năm 2022 là năm kỷ lục về quy mô thương mại, đạt 732,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 371,5 tỷ USD.

Xuất khẩu đang tiếp đà phục hồi sau khi suy giảm trong năm 2023. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2024 đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9% (tương ứng tăng 68,58 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023; cán cân thương mại xuất siêu gần 15,5 tỷ USD.

Nhấn mạnh dấu ấn chuyển mình của Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024) với các nhà ngoại giao, quan khách trong và ngoài nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói: “Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 FTA, gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu”.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ bán dẫn. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện”.

Riêng với ngành điện tử, nhờ thu hút dòng vốn vài chục tỷ USD từ Samsung, LG, Intel, Apple…, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 110-112 tỷ USD hàng hóa, dự kiến cả năm 2024 có thể đạt 130 tỷ USD. Việc các tập đoàn điện tử lớn tăng đầu tư vào Việt Nam đã góp phần đưa thị phần điện thoại thông minh của Việt Nam trên toàn cầu tăng vọt. Việt Nam đã giành 13% thị phần, vươn lên vị trí nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Còn dệt may, năm cao điểm đã xuất khẩu đạt 44 tỷ USD. Riêng năm ngoái, tăng trưởng chậm lại do tình hình ảm đạm của thương mại toàn cầu. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, năng lực cung ứng của ngành đã tiến gần mức 50 tỷ USD nhờ thu hút đầu tư nước ngoài và Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất lớn, một mắt xích quan trọng khó có thể thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Gia nhập sân chơi thương mại toàn cầu, là đối tác thương mại, kinh tế lớn của nhiều nền kinh tế đã thúc đẩy doanh nghiệp thích ứng với những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường lớn. Những lô hàng nông sản xuất đi Mỹ, EU, Nhật Bản – những thị trường khó tính bậc nhất – đã trở nên thường xuyên hơn, với giá trị ngoại tệ thu về lớn hơn sau từng năm.

Tận dụng thời cơ vàng

Chỉ trong vòng 7 tháng (từ tháng 9/2023 đến tháng 3/2024), Việt Nam đã nâng tầm quan hệ đối tác lên mức cao nhất với Mỹ, Nhật Bản và Australia. Sự kiện này tiếp tục thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Cả 3 quốc gia trên đều là đối tác thương mại lớn, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, Nhật Bản đứng thứ 4, còn thương mại hàng hóa với Australia lên tới 14 tỷ USD.

Như vậy, đến nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ở mức cao nhất với 7 quốc gia (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Australia).

Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với các nền kinh tế lớn là bước phát triển nhảy vọt và mở ra giai đoạn lịch sử mới cho quan hệ song phương. Quá trình mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam.

“Quan hệ Việt – Mỹ đang ở thời điểm vô cùng thuận lợi, nhất là sau khi 2 nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Khi Mỹ công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ tạo ‘bệ phóng’ đặc biệt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư nhờ việc tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của nhau. Ngoài ra, hàng hóa cũng được đối xử bình đẳng hơn trong các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại”, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá.

Ở tầm bao quát hơn, việc nâng tầm quan hệ đối tác với các nền kinh tế lớn sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế hiện đại với thu nhập tương đối cao vào năm 2040.

Đánh giá triển vọng thu hút đầu tư, một trong 3 trụ cột tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, bà Winnie Wong, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại TP.HCM (AmCham) cho rằng, trong vài năm tới, doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ và bền vững tại thị trường Việt Nam, nhờ sự ổn định về chính sách, khả năng phục hồi kinh tế, lực lượng lao động lành nghề, nhân khẩu học thuận lợi và mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương, chiến lược với các nước khác của Việt Nam.

Trên hết, khi mở cửa hội nhập sâu rộng, làm ăn kinh doanh với các nền kinh tế lớn, thực hiện các cam kết quốc tế, môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện tích cực hơn, hệ thống luật pháp không ngừng được hoàn thiện, năng lực sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước được củng cố, giúp tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nguồn: baodautu

All in one