Việc cải thiện khả năng tiếp cận tài trợ thương mại với chi phí hợp lý có thể giúp kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm tương ứng 6% và 9%. Điều này đồng nghĩa với việc tổng giá trị thương mại hàng hóa có thể tăng thêm tới hơn 55 tỷ USD mỗi năm…
Báo cáo nghiên cứu “Tài trợ thương mại tại khu vực Mê Kông” của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 22/2/2024 là nghiên cứu thứ hai trong loạt khảo sát về tài trợ thương mại ở các khu vực, tiếp sau khảo sát về Tây Phi.
Báo cáo tập trung vào 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong đó có 40 ngân hàng và 800 nhà xuất nhập khẩu tại Việt Nam tham gia nghiên cứu.
TÀI TRỢ THƯƠNG MẠI CHƯA PHỔ BIẾN
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tài trợ thương mại trong nước của Việt Nam không những chưa phổ biến mà còn có chi phí cao, phân tán và mới chỉ dừng ở việc cung cấp các nghiệp vụ cơ bản. Đáng chú ý, độ bao phủ tài trợ thương mại tại Việt Nam rất thấp dù Việt Nam là một trong những nước có giao dịch thương mại nhộn nhịp.
Riêng năm 2022, các ngân hàng tại Việt Nam chỉ tài trợ thương mại cho 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trị giá 731 tỷ USD của cả nước. Điều đáng chú ý là các ngân hàng chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia thương mại trong khu vực hơn là các công ty đa quốc gia lớn tham gia thương mại toàn cầu.
Nhiều công ty con của các công ty đa quốc gia trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao và giá trị lớn như điện tử, may mặc lại ít phụ thuộc hơn vào tài trợ thương mại.
Hơn nữa, báo cáo nhận định, do tài trợ thương mại trong nước của Việt Nam hiện mới chỉ tập trung vào các nhà sản xuất trong nước nên việc mở rộng phạm vi tài trợ thương mại sẽ không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, quan trọng hơn là thúc đẩy sản xuất, tăng cường hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và lan tỏa đồng đều hơn lợi ích của thương mại giữa các nhà sản xuất trong nước.
Trong khi đó ở các quốc gia tiên tiến, ông Marc Auboin, chuyên gia của WTO cho biết mức độ sử dụng tài trợ thương mại lên tới 60% còn ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, hiện thị phần hỗ trợ của tài chính cho lĩnh vực này chỉ khoảng 20%. Điều này đòi hỏi ngành tài chính trong nước cần hỗ trợ nhiều hơn nữa để thương mại trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Có nhiều lý do khiến tài trợ thương mại chưa được “mặn mà” kể cả từ phía người vay và người cho vay. Theo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, yêu cầu cao về tài sản thế chấp và quy trình thẩm định phức tạp là hai trong nhiều lý do chính khiến họ không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ngân hàng.
Cụ thể, cứ 3 trong 4 công ty được hỏi, họ trả lời không có nhu cầu về tài trợ thương mại. Nguồn vốn lưu động của các doanh nghiệp là từ nguồn vốn tự có, bởi có nhiều rào cản trong tiếp cận các nguồn vốn tài trợ thương mại. 14% doanh nghiệp được điều tra không tiếp cận với tài trợ thương mại trong 3 năm gần đây.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước có xu hướng sử dụng nguồn tài trợ trong nước nhiều hơn. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp công nghệ cao sử dụng tài trợ thương mại thấp hơn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp công nghệ cao được yêu cầu thế chấp để tiếp cận tài trợ thương mại thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong ngành công nghệ không cao. Đáng lưu ý, các doanh nghiệp công nghệ cao cũng được phê duyệt cấp khoản vay nhanh hơn nhiều so với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ không cao.
Về phía cung, trong năm 2022, báo cáo cho thấy các ngân hàng Việt Nam từ chối trung bình 12% số yêu cầu tài trợ thương mại – chủ yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ – tương đương với khoảng 20,3 tỷ USD nhu cầu chưa được đáp ứng.
Nguyên nhân từ chối được cho là do thiếu tài sản thế chấp và rủi ro tín dụng cao, nhiều ngân hàng quá cẩn thận trong việc chấp nhận hàng hoá làm thế chấp để vay vốn, thiếu thông tin về phân khúc thị trường mới…
HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ, THÚC ĐẨY TÀI TRỢ THƯƠNG MẠI
Báo cáo nhận định, việc tăng cường độ bao phủ thậm chí còn quan trọng hơn việc giảm chi phí tài trợ thương mại. Do đó, cần phát triển các công cụ mới như tài trợ chuỗi cung ứng và các dịch vụ số hóa sáng tạo để giảm chi phí và cải thiện khả năng tiếp cận.
Để làm được điều này, cần hoàn thiện khung pháp lý nhằm giải quyết các yêu cầu về tài sản thế chấp, giao dịch số hóa, các điều kiện của ngân hàng trung ương và khung trách nhiệm giải trình. Báo cáo cũng đề xuất nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà cung cấp trong nước về cách thức tiếp cận tài trợ thương mại.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh rằng các ngân hàng không phân biệt đối tượng khách hàng và đều mong muốn được phục vụ các doanh nghiệp để mở rộng tệp khách hàng của mình.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn tiếp cận dễ hơn do tiềm lực tài chính, khả năng đáp ứng yêu cầu, đảm bảo kế hoạch kinh doanh ổn định. Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế, như: không ổn định, tham gia chuỗi cung ứng yếu, chưa đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn… Trong khi hành lang pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng còn hạn chế, như Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hoàn thiện…
Do đó, để cải thiện tình trạng này, theo ông Hùng, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực để đáp ứng điều kiện của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng thông qua nâng cao tính minh bạch về báo cáo tài chính, quản trị doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các ngân hàng trong hoạt động cho vay.
Cùng với đó, Nhà nước cũng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động tài trợ thương mại. Ông Hùng hy vọng, việc Luật Các tổ chức tín dụng mới được Quốc hội thông qua, cũng như Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn luật này sẽ tạo điều kiện cho hoạt động tài trợ thương mại phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nêu ý kiến, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV, cho rằng kết quả báo cáo cho thấy tỷ lệ sử dụng tài trợ thương mại của hệ thống ngân hàng đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam mới chiếm 20%, còn các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ lên tới 60-80%.
Đồng tình với ý kiến ông Hùng về những hạn chế của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận nguồn tài trợ thương mại, ông Long chia sẻ thêm, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng chỉ ra hiện mới có 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn tín dụng và công cụ tài trợ thương mại chính thức, còn lại là tiếp cận theo hướng phi chính thống.
Vì thế, để tiếp cận được nguồn tài trợ thương mại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tự lớn lên, hoàn thiện hơn nữa, tuân thủ theo quy định của nhà nước. Nâng cao hiểu biết, năng lực, trình độ quản trị doanh nghiệp.
Về phía cơ quan Nhà nước, theo ông Long, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động tài trợ thương mại. Cho phép, khuyến khích, thúc đẩy các ngân hàng cung ứng nhiều hơn các phương thức tài trợ thương mại tiên tiến mà các nước trên thế giới đã và đang áp dụng.
Truyền thông để các doanh nghiệp nắm bắt được các sản phẩm, hình thức tài trợ thương mại phổ biến đang được các ngân hàng, tổ chức tín dụng cung ứng.
Các ngân hàng mạnh dạn, đa dạng hoá đưa vào cung ứng các sản phẩm tài trợ thương mại tiên tiến mà không dựa vào cơ chế cấp tín dụng, không dựa vào việc đánh giá tín dụng với doanh nghiệp, mà dựa vào các phương thức tiên tiến như dòng tiền, tài trợ hoá đơn, xuất khẩu… Nên phối hợp với các công ty fintech, hãng bảo hiểm để đưa ứng dụng công nghệ vào, rút ngắn thời gian giao dịch… nhằm minh bạch hoá các giao dịch tài trợ thương mại.
Nguồn: vneconomy.vn