Việc sửa đổi Luật Đầu tư công sẽ giúp khơi thông nguồn lực, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

a t4 DU AN CHI THANH VAN PHONG 27
Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền sẽ rút ngắn thời gian phân bổ vốn, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Ảnh: Đ.T

Đẩy mạnh phân cấp để khơi thông nguồn lực

Dự kiến, ngày mai (29/10), Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ được Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, có 5 nhóm chính sách dự kiến được sửa đổi, trong đó, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền được nhấn mạnh.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin – cho”…

Gọi là “đột phá” là bởi, tinh thần làm luật lần này được chỉ đạo là làm sao kiến tạo sự phát triển, khơi thông nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đầu tư công, để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, chứ không phải làm luật để “quản”.

Chính Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XV cũng nhấn mạnh rằng, trong lập pháp, khi xây dựng luật phải chuyển từ tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất…

Một trong những ví dụ về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khi sửa đổi Luật Đầu tư công là Chính phủ đã đề xuất phân cấp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ. Trước đây, để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh này, phải mất 11 bước và mất trung bình 6-7 tháng để thực hiện, ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn. Nhưng nếu được phân cấp, sẽ cắt giảm được 5 bước và giảm thời gian khoảng 3 tháng, sớm điều chỉnh được kế hoạch vốn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Việc này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cũng sẽ tạo được sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, kịp thời giao vốn, hạn chế tối đa tình trạng “vốn chờ dự án”, “dự án chờ vốn” hiện nay, để có thể sớm đưa vốn vào nền kinh tế, sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội.

Tương tự, cùng với đề xuất nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng, quy mô dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C lên gấp 2 lần so với quy định hiện tại trong Luật, Chính phủ cũng đề xuất phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý; phân cấp thẩm quyền cho chủ tịch UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm…

Một khi công tác phân cấp được đẩy mạnh, các bước thực hiện trình tự, thủ tục sẽ được rút ngắn, vốn sẽ được đẩy vào nền kinh tế nhanh hơn, phát huy hiệu quả sớm hơn.

Khai thác tối đa nguồn lực, không để vốn chờ dự án

Một nội dung quan trọng khác trong Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi lần này là việc sửa đổi các nhóm chính sách liên quan nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước…

Chia sẻ nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, một trong những sửa đổi quan trọng là sẽ cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án.

Trong lần sửa Luật Đầu tư công này, Ban Soạn thảo đề xuất sửa đổi theo hướng cho phép, ngoài sử dụng nguồn đầu tư phát triển, thì được sử dụng thêm nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác của bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho công tác chuẩn bị đầu tư nhằm tạo sự sẵn sàng, chủ động trong thực hiện các hoạt động chuẩn bị đầu tư.

Các đề xuất khác bao gồm việc cho phép doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; cho phép ban quản lý dự án, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án…

Các thủ tục đầu tư, chuẩn bị dự án cũng sẽ được đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho quá trình chuẩn bị, triển khai các dự án đầu tư công. Đồng thời, cho phép Thủ tướng Chính phủ – đối với vốn ngân sách trung ương, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh – đối với vốn ngân sách địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khởi công mới thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp vượt quá hạn mức 20%, nhưng không quá 50% số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn hiện tại…

Lâu nay, công tác chuẩn bị dự án là một trong những tồn tại lớn của công tác đầu tư công. Chuyện vốn chờ dự án cũng từ đây mà ra. Chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chuyện đáng lo với giải ngân đầu tư công không phải là “tiền đâu”, mà là “đầu tiên” – chuẩn bị dự án như thế nào.

Khi các chính sách này được thông qua, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị dự án, thì cũng sẽ tạo thuận lợi cho công tác giải ngân vốn đầu tư công.

“Chúng tôi sợ là sau này, sẽ có tình trạng dự án chờ vốn, vì dự án chuẩn bị sẵn sàng nhiều quá, giải ngân nhanh quá”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói vui, nhưng đó cũng là một thực tế có thể xảy ra, khi chính sách được sửa đổi, tạo thuận lợi trong công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện, giải ngân, cũng như trong khơi thông nguồn lực đầu tư. Khi đó, hiệu quả đầu tư công sẽ được nâng lên và góp phần quan trọng tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội.

Nguồn: baodautu

All in one