(FDI Việt Nam) – Gần 40 năm qua, doanh nghiệp tư nhân đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Tuy nhiên, để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, doanh nghiệp tư nhân cần tiếp tục tăng tốc, đổi mới và bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
Hơn một thập kỷ trước, câu chuyện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không thể sản xuất nổi chiếc ốc vít theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) từng gây xôn xao dư luận.
Vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội khóa XIII nêu ra khi bàn về sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Đào tạo mỗi năm bao nhiêu tiến sĩ, nhưng tại sao không sản xuất nổi con ốc vít? Vậy làm sao tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu?”, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) từng trăn trở.

Thời điểm đó, câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam “lắc đầu” trước cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc đã dấy lên không ít lo ngại cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Bởi đây là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và chuyển đổi cơ cấu sản xuất của quốc gia.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau, 4 doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung, mở ra bước tiến quan trọng. Những năm sau đó, số lượng doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng của “ông lớn” Hàn Quốc tiếp tục gia tăng. Đến năm 2023, đã có 306 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam góp mặt trong mạng lưới cung ứng của gã khổng lồ công nghệ và bán dẫn này.

Kết quả này phần nào phản ánh nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Từ một quốc gia chủ yếu gia công, lắp ráp, Việt Nam đã có những bước tiến lớn khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư bài bản, nghiêm túc để tự sản xuất các sản phẩm “Made in Vietnam”, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh
Trong gần 4 thập kỷ qua, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, từ 14,1 tỷ USD lên 476,3 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng vượt 7%, xếp thứ 33 thế giới. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và là trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới. Đóng góp vào thành tựu đó không thể không nhắc đến vai trò của doanh nghiệp tư nhân, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.
Nhìn lại chặng đường gần 40 năm đổi mới (từ 1986 đến nay), doanh nghiệp tư nhân đã có sự phát triển thần kỳ cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), đến cuối năm 2024, Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số với 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, còn có khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, góp phần quan trọng vào nền kinh tế quốc gia.
Đến nay, doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp khoảng 45% GDP, chiếm 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động. Trong nhiều năm qua, khu vực này luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã mạnh mẽ “lột xác”, tích lũy đủ năng lực về vốn, công nghệ và quản trị, từng bước xây dựng thương hiệu và vươn tầm khu vực cũng như thế giới.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Nếu như ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp Việt chủ yếu tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng như kem đánh răng, xà bông, bánh kẹo…, thì nay, khu vực kinh tế tư nhân đã hiện diện mạnh mẽ trong những ngành quan trọng như công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất thép, khai thác khoáng sản, ngân hàng, bất động sản và xuất khẩu.
Đặc biệt, ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam tham gia vào các công trình hạ tầng quy mô lớn, từ sân bay, cảng biển, đường cao tốc đến những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao như hạ tầng năng lượng, sản xuất ô tô, điện thoại thông minh và hàng không… tất cả đều mang đậm dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân.
Thực tế, tại các quốc gia phát triển, doanh nghiệp tư nhân chiếm từ 70-90% GDP, đóng vai trò nền tảng và trụ cột đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.
Nhắc đến sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, không thể không kể đến những tập đoàn lớn như Samsung, LG, SK và Hyundai. Các chaebol này, hình thành từ thập niên 1960, đã vươn mình trở thành những thế lực kinh tế hùng mạnh, góp phần đưa Hàn Quốc từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới “hóa rồng” và trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 toàn cầu.
Tương tự, khi nhìn lại sự bùng nổ kinh tế của Nhật Bản trong thập niên 1960-1980, dấu ấn của những tập đoàn tư nhân như Sumitomo, Toyota, Honda, Mitsubishi… là không thể phủ nhận. Chính họ đã góp phần đưa Nhật Bản trở thành cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới.
Tại một hội nghị vào tháng 9/2024, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, khi đó là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã nhấn mạnh rằng đã đến lúc doanh nghiệp lớn cần gánh vác những sứ mệnh lớn lao hơn.
“Các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác”, ông nhấn mạnh.
Những chính sách quyết liệt
Nhận thức rõ tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân, trong gần 4 thập kỷ qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, đường lối và chính sách phát triển khu vực kinh tế này.
Các nghị quyết và chiến lược của Đảng liên tục được bổ sung, hoàn thiện qua từng giai đoạn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TW, Khóa XII đã khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở ra cơ hội để khu vực này phát huy tiềm năng và đóng góp mạnh mẽ hơn vào sự phát triển đất nước.

Trong nhiều thập kỷ qua, Chính phủ đã hiện thực hóa chủ trương phát triển doanh nghiệp tư nhân bằng những hành động cụ thể, đưa khu vực này trở thành “động lực quan trọng” giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Hàng loạt hội nghị đối thoại giữa Chính phủ và lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã liên tục diễn ra, với sự chủ trì của Thủ tướng cùng các bộ, ngành nhằm lắng nghe, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Các khung khổ pháp lý và thủ tục hành chính dành cho doanh nghiệp ngày càng được chú trọng và quyết liệt tháo gỡ. Chính phủ xác định rõ rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng chung của đất nước.
Thủ tướng từng nhấn mạnh: “Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển. Tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu.”
Và đến nay, doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã được tham gia nhiều vào các dự án lớn của đất nước thông qua các đơn đặt hàng của Chính phủ dành cho các tập đoàn tư nhân. Đặc biệt, tới đây, Bộ Chính trị sẽ có nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đó, ngay từ đầu tháng 3, Thủ tướng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân để trình Bộ Chính trị. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 15/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng cần phải “tháo chốt”, khơi thông các điểm nghẽn để khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, góp phần xây dựng một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm và các quyết sách mang tính định hướng của Đảng, Chính phủ nhằm phát triển kinh tế tư nhân.
Ông cho rằng Việt Nam đã xây dựng những chiến lược cụ thể cho giai đoạn 2030-2045, trong đó kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu lớn, đưa đất nước vươn lên trở thành nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao.

Vị chuyên gia cho rằng cần biến động lực này thành trụ cột của nền kinh tế. “Động lực là sự thôi thúc và chúng ta phải hiện thực hóa kinh tế tư nhân thành trụ cột kinh tế, bên cạnh doanh nghiệp FDI…”, ông nhấn mạnh.
Tương tự, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, cũng đánh giá cao các chủ trương và định hướng của Đảng, Chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Ông nhận định rằng những quyết sách này không chỉ phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước mà còn đáp ứng đúng mong mỏi của doanh nghiệp tư nhân, giúp khu vực kinh tế tư nhân phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế Việt Nam.
“Đây sẽ là nền tảng giúp Việt Nam đẩy nhanh những cải cách về mặt thể chế, quy định pháp luật, tổ chức bộ máy để có những mô hình tốt hơn, hiệu quả hơn để phục vụ cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung”, ông Bình nhìn nhận.
Theo TS Lê Duy Bình, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp gần 50% GDP, chiếm 56% tổng đầu tư của toàn xã hội và tạo ra khoảng 80% việc làm. Điều này cho thấy rằng hơn một nửa quy mô nền kinh tế, cả về số lượng lẫn chất lượng, phụ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam không thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao, không thể “cất cánh” trở thành nền kinh tế phát triển nếu thiếu đi sự đóng góp mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân.
Ở góc độ chuyên gia nước ngoài, GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, nhấn mạnh rằng sự chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của doanh nghiệp tư nhân sẽ là yếu tố quyết định đối với hiệu quả kinh tế của một quốc gia.
Ông cũng cho rằng cơ chế, chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính linh hoạt cho khu vực kinh tế tư nhân, giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn và chủ động đối phó với các “cú sốc” từ bên ngoài.
“Ở các quốc gia phát triển sau, một khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh phải được tạo ra với sự hỗ trợ của Chính phủ. Cần có các chính sách mạnh mẽ để nâng cao sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng trước tiên, Chính phủ phải tự cải cách trước khi có thể hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, đây là một nhiệm vụ không dễ dàng”, vị chuyên gia lưu ý.
Cần giải quyết vấn đề gì để doanh nghiệp tư nhân bứt phá?
Để hiện thực hóa mục tiêu đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất giúp Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, các chuyên gia nhận định rằng Chính phủ cần có nhiều giải pháp và nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa.
TS Châu Đình Linh cho rằng cải cách thể chế là yếu tố quan trọng hàng đầu, trong đó cần đảm bảo sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Ông nhận định rằng trước đây, Việt Nam có xu hướng ưu tiên doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước, trong khi kinh tế tư nhân chưa thực sự nhận được những chính sách hỗ trợ hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, khi phần lớn vẫn mang tính hình thức hoặc chỉ dừng lại trên giấy tờ.
“Bên cạnh đó, cần loại bỏ những rào cản đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân. Đồng thời, những chính sách ban hành cho nhóm doanh nghiệp tư nhân cần phải minh bạch. Nhà nước, Chính phủ cần chuyển tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, dịch vụ. Cần xem họ là đối tượng phục vụ, vừa thu phí dịch vụ, vừa hiểu được cách giúp cho họ phát triển. Những chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp FDI cũng cần áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp kinh tế tư nhân”, vị chuyên gia nhìn nhận.

TS Châu Đình Linh cũng nhấn mạnh rằng cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực tế, thay vì chỉ mang tính hình thức. Ông đề xuất giảm thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho R&D để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
“Chính phủ cũng cần thúc đẩy hơn nữa về chuyển đổi số, sẽ chuyển xuống cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đặc biệt, cần giúp nhóm doanh nghiệp này có nhiều giải pháp trong bức tranh tiếp cận vốn”, vị chuyên gia đề xuất.
TS Châu Đình Linh cũng nhấn mạnh rằng bên cạnh việc hỗ trợ về chính sách, cần thay đổi nhận thức của người đứng đầu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ nâng cao trình độ quản trị, thích ứng với xu hướng phát triển mới.
Ông đề xuất cần phát huy vai trò của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để trở thành “sếu đầu đàn”, dẫn dắt nền kinh tế. Các doanh nghiệp lớn không chỉ phát triển độc lập mà cần tạo mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng chuỗi giá trị với những sản phẩm “Made in Vietnam” có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tương tự, TS Lê Duy Bình cho rằng môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp tư nhân vẫn tồn tại nhiều rủi ro pháp lý. Ông nhận định rằng các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều trở ngại liên quan đến quy định pháp luật, trong đó có vấn đề chưa đảm bảo đầy đủ quyền tự do kinh doanh. Điều này đi ngược lại nguyên tắc quan trọng: doanh nghiệp tư nhân và người dân được phép làm tất cả những gì pháp luật không cấm.
“Do đó, điều quan trọng để các doanh nghiệp tư nhân bứt phá mạnh mẽ là môi trường kinh doanh an toàn, thân thiện, chi phí thấp và đạt chuẩn quốc tế. Trong đó, chi phí thấp trong môi trường kinh doanh là yếu tố rất quan trọng với doanh nghiệp”, ông Bình nhìn nhận.
Khi đó, vị chuyên gia cho rằng sẽ kích thích được tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh mạo hiểm, dấn thân vào những lĩnh vực, công nghệ mới. Ông nhấn mạnh việc tháo gỡ những khó khăn về môi trường kinh doanh, rủi ro pháp lý sẽ là nền tảng để tháo gỡ nhiều khó khăn khác mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải như vốn, nhân lực, cơ sở hạ tầng…
“Khu vực kinh tế tư nhân còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt là khu vực kinh tế phi chính thức, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, chưa có sự phát triển vượt bậc, nhất là từ năm 2017 đến nay. Doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể – một phần quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân – vẫn gặp khá nhiều khó khăn về địa vị pháp lý. Kỳ vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ giải quyết được những vấn đề này và chú trọng hơn với những doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể”, ông Bình đề xuất.
Nguồn: Báo dân trí