Sau khi lên mức cao nhất 9 tháng, lãi suất liên ngân hàng nhanh chóng quay đầu giảm mạnh. Lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào và nhu cầu tín dụng đầu năm thấp.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong phiên 29/2, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90-95% giá trị giao dịch) ở mức 1,46%/năm, giảm 0,94 điểm % so với ngày hôm trước.
Như vậy, lãi suất qua đêm đã giảm tới 2,65% so với mức đỉnh của năm 2024 là 4,14% ghi nhận vào ngày 21/2.
Lãi suất liên ngân hàng tại hai kỳ hạn chủ chốt khác cũng đều lao dốc mạnh. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tuần trong phiên 29/2 giảm còn 1,71%/năm, thấp hơn 0,81 điểm % so với ngày 28/2. Lãi suất kỳ hạn 2 tuần cũng hạ 0,95 điểm %, xuống 1,72%.
Trong khi đó, lãi suất tại các kỳ hạn cao hơn như 1 tháng và 3 tháng không có nhiều biến động, lần lượt ở mức 2,53% và 2,96%/năm trong phiên 29/2.
Lãi suất liên ngân hàng đi xuống mặc dù toàn bộ hơn 6.000 tỷ đồng NHNN hỗ trợ thanh khoản cho thị trường với lãi suất 4%/năm và kỳ hạn 7 ngày, đã đáo hạn trong hai phiên 27/2 và 28/2. Kể từ ngày 22/2 đến nay, kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá đã không phát sinh thêm giao dịch mới.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt sau Tết là phù hợp với xu hướng của các năm. Nguyên nhân lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trước Tết chủ yếu do tính mùa vụ khi nhu cầu thanh toán, chi trả gia tăng trong dịp cận Tết Nguyên đán.
Giới phân tích kỳ vọng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp trong những tháng đầu năm 2024 khi thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào và nhu cầu tín dụng thường thấp sau kỳ nghỉ Tết.
Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết qua hai tháng đầu năm 2024, thực tế là thanh khoản rất dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng chậm so với cùng kỳ các năm.
“Nguyên nhân chung là do yếu tố mùa vụ sau khi tháng 12 tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4%”, Phó Thống đốc cho biết.
Theo Phó Thống đốc, thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước.
Năm nay còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc mà các thị trường chính của chúng ta cũng chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu, trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.
Thực tế, nguồn vốn đang trở nên dư thừa tại nhiều ngân hàng thương mại.
Tại cuộc gặp mặt đầu năm các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu ngày 3/3, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, mặc dầu lãi suất huy động giảm nhiều nhưng tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng, nhu cầu sử dụng vốn sụt giảm do nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ hàng hoá chưa được cải thiện, nên vốn đang trở nên dư thừa tại nhiều ngân hàng thương mại, tăng chi phí trả lãi của ngân hàng thương mại.
“Ví dụ tại Agribank, hiện đang huy động 100 đồng tiền gửi thì chỉ cho vay ra được hơn 80 đồng, mặc dầu ngay từ đầu năm 2024 Agribank đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2,5-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng”, ông Ấn nói.
Nguồn: vietnamfinance.vn