Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã đề ra 26 nhiệm vụ, chương trình trọng tâm nhằm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Điều khiển hệ thống máy chiết rót nước tự động tại nhà máy Công ty La Vie tại Long An (Liên doanh giữa Công ty Thương mại tổng hợp Long An và Tập đoàn Nestlé Waters). (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Điều khiển hệ thống máy chiết rót nước tự động tại nhà máy Công ty La Vie tại Long An (Liên doanh giữa Công ty Thương mại tổng hợp Long An và Tập đoàn Nestlé Waters). (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Theo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Long An phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn này đạt từ 9,2-10%.

Cơ cấu kinh tế các khu vực nông-lâm-thủy sản, công nghiệp-xây dựng, thương mại- dịch vụ đến năm 2025 lần lượt chiếm 10%, 60,5% và 29,5% trong cơ cấu GRDP.

Đồng thời, Long An cũng phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 115- 120 triệu đồng; có khoảng 20.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 10% doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đến năm 2025 đạt khoảng 45%; tỷ trọng kinh tế số đóng góp 10% GRDP toàn tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 75%…

Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã đề ra 26 nhiệm vụ, chương trình trọng tâm nhằm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Cụ thể như hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch này; tổ chức sơ kết thực hiện Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm; nâng cao hiệu quả tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách; triển khai Chiến lược phát triển kinh tế tập thể tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030.

Tỉnh đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư; triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số; tập trung phát triển thương mại điện tử… Các nhiệm vụ, chương trình trên được giao cụ thể đến từng sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện kế hoạch trên đạt hiệu quả cao; trong đó, chú trọng tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập; tập trung phát triển các loại thị trường như tài chính, lao động, khoa học công nghệ,… nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực.

Tỉnh phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị-nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh./.

(Nguồn: vietnamplus.vn)

>> Bình Dương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

All in one