Áp lực lạm phát lớn, nhưng không thể quá sợ hãi
Áp lực tăng giá ngày càng gia tăng khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước đang là điểm nóng trong các cuộc thảo luận về điều hành kinh tế vĩ mô.
Trong báo cáo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ cuối tuần trước, phác thảo về những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2022 khá rõ.
Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao. Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án FDI, gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Trong nông nghiệp, đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao… Trong khi đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ “dịch chồng dịch”…, có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, bảo đảm cung – cầu lao động, hàng hóa thiết yếu.
Rõ ràng, nền kinh tế còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu dài hạn. Điều này có nghĩa là bài toán giữ vững ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát là cần thiết để đảm bảo tăng trưởng lâu dài tiếp tục được đặt lên hàng ưu tiên.
Tuy vậy, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu BIDV không cảm thấy quá lo ngại. “Việt Nam có đủ các yếu tố giúp kiềm chế lạm phát mà vẫn đảm bảo nguồn lực cho phục hồi và tăng trưởng”, ông nói trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ.
Cơ sở cho khuyến nghị trên đến từ 3 lý do chính.
Một là, giá xăng dầu thế giới hiện rơi vào khoảng 104 USD/thùng, tăng 47% so với năm ngoái. Nhiều dự báo trên thế giới cho rằng, mức giá này đã đạt đỉnh, do đó giá xăng dầu sẽ có xu hướng giảm thời gian tới. Giá xăng dầu giảm sẽ giúp giá các nguyên vật liệu đầu vào khác dịu bớt di, từ đó giảm áp lực chi phí đẩy cho Việt Nam.
Hai là, Việt Nam đang đảm bảo tốt nguồn cung các đầu vào thiết yếu cho nền kinh tế, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Ngành nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn biến động này.
Ba là, công tác phối hợp điều hành chính sách thời gian qua được tiến hành khá tốt, giúp lạm phát 6 tháng đầu năm không tăng cao. “Tới đây, cần tập trung điều tiết các loại hàng hóa có tác động mạnh đến CPI, nhất là 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ là giao thông – vận tải; lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng – nhóm hàng hóa chiếm 80% mức tăng CPI thời gian vừa qua”, ông Lực khuyến nghị.
Trong đó, với xăng dầu, ông Lực đề xuất giảm tiếp 30% các loại thuế, phí còn lại, từ đó có thể giúp CPI giảm 0,41% và đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,57%. Khi giá xăng dầu tăng cao, đối tượng chịu áp lực nặng nhất là nhóm lao động phổ thông, người có thu nhập thấp và người yếu thế trong xã hội. Do đó, song song với điều hành giá cả, cần tiếp tục đẩy mạnh những giải pháp như giảm thuế, giảm phí, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo.
Cùng với đó, việc kiểm soát giá cả các loại hàng hóa có liên quan trực tiếp tới giá xăng dầu cũng cần được tập trung.
Mối lo lớn nằm ở vi mô
Đồng tình với quan điểm của ông Lực về việc cần linh hoạt và bình tĩnh trong điều hành kinh tế vĩ mô khi tình hình thế giới nhiều bất ổn, bất trắc, tác động trực tiếp tới Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dành nhiều sự quan tâm tới khu vực doanh nghiệp nội địa.
“Sự phục hồi tốt hay không của khu vực doanh nghiệp cũng cần phải tính tới trong điều hành ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu kiếm chế lạm phát tốt mà doanh nghiệp yếu, không phục hồi tốt, khó khăn trong trả nợ vay…, thì không thể gọi là ổn định kinh tế vĩ mô được”, ông Thiên chia sẻ quan điểm.
Trên cơ sở này, TS. Thiên cho rằng, việc giữ lạm phát ở mức nào rất cần được linh hoạt, chủ động, trên nguyên tắc đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Cách tiếp cận của Chính phủ như vừa rồi (chính sách tài khóa phối hợp để hỗ trợ chính sách tiền tệ) là rất quan trọng. Đây là điều cần phải phát huy thêm.
“Tuy nhiên, lạm phát thế giới đang tăng, nếu lãi suất thế giới tăng thêm, ta có giữ nguyên lãi suất hay phải tăng để đảm bảo dòng vốn trong nước không bị thoát ra ngoài? Ngân hàng cần chủ động trong vấn đề lãi suất để đảm bảo an toàn hệ thống, nhưng cần phải tính đến khả năng nếu lãi suất tăng thêm nữa”, ông Thiên khuyến nghị.
Cũng mối lo vi mô, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhắc đến tình trạng doanh nghiệp đã thu hẹp, sản xuất cầm chừng, không có đầu tư mới cho tương lai. Đáng nói là, đang có tình trạng chậm trễ, khó khăn trong thực hiện các hoạt động đầu tư, do thủ tục hành chính còn khó khăn, phức tạp, chưa có nhiều cải thiện trong môi trường kinh doanh… và đặc biệt là tâm lý lo làm sai của giới công chức thực thi.
Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến các kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp, mà trực tiếp đến hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh việc giải ngân đầu tư công kéo dài nhiều năm chưa có chuyển biến đáng kể, việc chậm giải ngân ảnh hưởng đến huy động các dòng vốn, uy tín quốc gia, giảm niềm tin của nhà đầu tư, nhà tài trợ và người dân, có nguy cơ “đội vốn” gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả…
“Tôi cho rằng, chúng ta sẽ thành công trong thực hiện các chỉ số kinh tế vĩ mô, nhưng vấn đề vi mô thì thật sự lo. Chính vì thế, ngoài ổn định vĩ mô, Chính phủ cần tập trung nhiều hơn vào những vấn đề vi mô’, ông Cung khuyến nghị.
Một số kịch bản lạm phát toàn cầu trong thời gian tới
– Kịch bản 1 – kịch bản cơ sở: Lạm phát toàn cầu đạt đỉnh trong quý II/III năm 2022 trước khi giảm dần và ổn định vào cuối năm 2023. Giá năng lượng vẫn ở mức cao trong năm 2022, nhưng bắt đầu giảm vào năm 2023, chuỗi cung ứng toàn cầu dần hồi phục và các điều chỉnh chính sách nhằm kiềm chế lạm phát của các quốc gia phát huy hiệu quả.
– Kịch bản 2: Lạm phát tiếp tục giữ đà tăng và sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2023 trước khi giảm dần nhưng với tốc độ chậm hơn vào năm 2024; giá dầu có thể đạt mức 150 USD/thùng.
– Kịch bản 3: Lạm phát giảm với tốc độ nhanh và sớm ổn định vào giữa năm 2023 trong trường hợp xung đột tại Nga – Ukraine sớm kết thúc.