Kinh tế Đồng Bằng Sông Cửu Long vốn đã tăng trưởng chậm lại từ trước 2019, phải chịu thêm cú sốc nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Tốc độ tăng trưởng giảm sâu từ 7,14% trong năm 2019 xuống chỉ còn 2,42% trong năm 2020 – thấp hơn đáng kể so với bình quân 2,9% của cả nước, và rơi tiếp xuống -0,43% trong năm 2021 – trong khi cả nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng +2,6%. Như vậy, về tăng trưởng kinh tế, Đồng Bằng Sông Cửu Long chịu tác động của đại dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn so mặt bằng chung của cả nước. Điều này xuất phát từ đặc thù cơ cấu kinh tế của Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Thứ nhất, mặc dù không phải là nền kinh tế hiện đại song tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GRDP của Đồng Bằng Sông Cửu Long thậm chí còn cao hơn so với cả nước, mà dịch vụ lại chính là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của COVID-19.
Thứ hai, sự yếu kém có tính cố hữu của khu vực công nghiệp của Đồng Bằng Sông Cửu Long đã không thể giúp vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng. Trong năm 2021, khu vực công nghiệp giảm sâu (-2,26%), thấp hơn hẳn so với mức tăng trưởng 4,05% của cả nước.
Thứ ba, điểm sáng kinh tế lớn nhất của Đồng Bằng Sông Cửu Long là khu vực nông nghiệp, duy trì mức tăng trưởng dương trong hai năm 2020 và 2021, lần lượt là 2,02% và 1,57%. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế của Đồng Bằng Sông Cửu Long vì hai khu vực còn lại – cùng nhau chiếm tới hơn 70% GDP của Vùng – đều tăng trưởng âm ở mức khá sâu.
Nguyên nhân chính của tình trạng suy giảm kinh tế của Đồng Bằng Sông Cửu Long là do giãn cách xã hội kéo dài trong quý III/2021 ở miền Nam, đặc biệt do sự thiếu linh hoạt và đồng bộ về các biện pháp phòng, chống dịch và giãn cách xã hội giữa các địa phương đã gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng, cản trở khả năng tiếp cận của hàng hóa đối với TP. Hồ Chí Minh, khiến gia tăng chi phí vận chuyển và logistics. Điều này cho thấy công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL có sức chống chịu và khả năng hồi phục trước khủng hoảng tương đối thấp.
Trong trung hạn, để phát triển kinh tế Đồng Bằng Sông Cửu Long một cách nhanh và bền vững hơn, các xu hướng quan trọng sau đây cần được đưa vào các cân nhắc chiến lược:
Thứ nhất, mặc dù đã qua giai đoạn khốc liệt nhất nhưng COVID-19 sẽ còn kéo dài và luôn tiềm ẩn rủi ro xuất hiện các biến chủng mới của vi-rút SARS-CoV-2.
Thứ hai, xu hướng tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc là cơ hội rất tốt cho Đồng Bằng Sông Cửu Long để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào khu vực nông nghiệp và dịch vụ.
Thứ ba, làn sóng hồi hương của người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long trong quý III và IV năm 2021 chỉ mang tính chất tạm thời, vì sự chênh lệch mức sống cũng như cơ hội việc làm giữa vùng hai vùng Đông và Tây Nam Bộ vẫn còn nguyên vẹn. Vòng xoáy đi xuống do thiếu hụt đầu tư và lao động vẫn sẽ là thách thức quan trọng cho phát triển công nghiệp và dịch vụ của Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Thứ tư, dịch bệnh kéo dài làm sứ mệnh an ninh lương thực trở nên nặng nề hơn. Tuy nhiên, an ninh lương thực không nhất thiết đồng nghĩa với việc phải giữ một lượng lớn đất cho sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi nông nghiệp một cách toàn diện sẽ là lời giải giúp Đồng Bằng Sông Cửu Long cải thiện năng suất và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, trong khi vẫn dành được dư địa đất đai cho phát triển công nghiệp và hạ tầng.
Thứ năm, biến đổi khí hậu (BĐKH) và sự gia tăng các con đập thượng nguồn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long, tác động tiêu cực tới sinh kế của người dân, thúc đẩy di cư, và cản trở phát triển đô thị. Đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ, đầu tư và tài chính xanh nên trở thành ưu tiên chiến lược vừa để đảm bảo sự phục hồi bền vững vừa phù hợp với xu thế toàn cầu.
(Nguồn: Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL_2022)