Với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, điều quan trọng nhất lúc này là cởi bỏ tâm lý e ngại, mất niềm tin.

11
Gỡ bỏ các rào cản trong sản xuất – kinh doanh là giải pháp được doanh nghiệp trông đợi nhất lúc này. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp đợi đến bao giờ

“Nửa tháng đã trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng về kiến nghị điều chỉnh hoặc bãi bỏ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN 20:2019/BKHCN)”,  ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tiến Đạt chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Thời điểm nửa tháng được tính từ cuộc họp trao đổi về kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp thép không gỉ do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tổ chức ngày 13/7. Ông Hưng kể, tại cuộc họp, lãnh đạo Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam đã lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp, nói sẽ tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng trả lời kiến nghị của 27 doanh nghiệp.

Cũng phải nói rõ, cuộc họp trên diễn ra sau khi các doanh nghiệp thép không gỉ gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về việc không nhận được phản hồi của Bộ Khoa học và Công nghệ về hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến QCVN 20:2019/BKHCN suốt từ cuối năm 2022, trước thời điểm QCVN 20:2019/BKHCN có hiệu lực vào tháng 1/2023.

Như vậy, nếu tính từ thời điểm các doanh nghiệp thép không gỉ trong nước không thể nhập nguồn phôi để sản xuất các mặt hàng thép không gỉ có tiêu chuẩn cơ sở, thì hơn nửa năm trôi qua. “Cũng đã hơn nửa năm thị trường rơi vào các sản phẩm nhập khẩu được làm từ loại thép này. QCVN 20:2019/BKHCN không cấm nhập các sản phẩm hoàn thiện sử dụng nguyên liệu này, nhưng lại chặn nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất, gia công thép không gỉ trong nước”, ông Hưng bức xúc.

Đây là lý do ông Hưng cũng như đại diện nhiều doanh nghiệp không thể trả lời được câu hỏi, tình hình kinh doanh từ giờ đến cuối năm ra sao. “Nhiều doanh nghiệp đã gần như phải dừng hoạt động rồi”, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tiến Đạt cho biết.

Tâm lý e ngại vẫn rất lớn

Là doanh nghiệp đầu tiên phát biểu trong Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, diễn ra cuối tuần trước, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest đặt thẳng vấn đề với người đứng đầu Chính phủ về tâm lý e ngại của thị trường hiện tại. “Điều quan trọng là phải cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin của thị trường, kể cả người mua nhà và chủ đầu tư”, ông nói.

Theo ông Hiệp,  mặc dù các quyết sách của Chính phủ đều trúng, đúng, kịp thời, từ thể chế đến giải pháp, nhưng không phải ở cấp thực hiện nào cũng có chuyển biến, nhận thức được vấn đề. Đây là lý do các doanh nghiệp bất động sản cho đến giờ vấn rất vướng, vì khó khăn “thiên hình vạn dạng”, từ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kiến trúc, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, đất công xen kẹt, định giá đất…, đòi hỏi việc xử lý linh hoạt.

“Riêng đối với GP Invest, nhờ chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của Thủ tướng, nhiều dự án đã có chuyển biến tích cực, như Dự án Palm Manor ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nhưng để doanh nghiệp thoát khỏi vòng luẩn quẩn chờ đợi, đề nghị các địa phương báo cáo 3 tháng/lần các dự án tồn đọng vướng mắc, đề xuất cấp xử lý”, ông Hiệp kiến nghị.

Đáng nói là, lý do trên cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không thực sự an tâm với các kế hoạch sửa đổi hệ thống văn bản pháp lý, dù đây là chìa khóa để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong thực thi do quy định chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ… Thậm chí, ông Hiệp còn lo các dự án có thể bị mắc kẹt, nếu vấn đề chuyển tiếp của các dự án trong thời kỳ thay đổi giữa luật cũ và luật mới không được quan tâm, có hướng dẫn cụ thể…

Không gian nào cho kế hoạch kinh doanh mới

Tại Hội thảo tham vấn chuyên gia về Dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, diễn ra cuối tuần trước tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Mai Huy Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển xanh THDV thêm một lần nữa trình bày về Dự án Tổ hợp kinh tế tuần hoàn sản xuất năng lượng tái tạo và nhiên liệu xanh tại Tiền Giang.

Như vậy, dự án đầy tham vọng với tổng vốn đầu tư lên tới 15,4 tỷ USD trên diện tích 285 ha, chia làm 4 kỳ, trong đó giai đoạn I là 5 tỷ USD của THDV đã đến được rất nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, sau khi Chủ tịch HĐQT Công ty làm việc với tỉnh Tiền Giang, gửi tới một số bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ để báo cáo.

Song, câu hỏi mà ông Tân dành cho Ban Soạn thảo Dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn là bộ tiêu chí đánh giá và quy trình xét duyệt dự án để được đưa vào cơ chế thử nghiệm ở đâu. “Vốn cho dự án thì chúng tôi có thể thu xếp được sau khi làm việc với nhiều quỹ đầu tư. Nhưng tôi sẽ nộp dự án cho ai, ở đâu để được tham gia cơ chế thử nghiệm, để Dự án được phép triển khai”, ông Tân đặt câu hỏi.

Mặc dù giải thích với ông Tân rằng, tiêu chí và quy trình sẽ được cụ thể hóa theo từng ngành, lĩnh vực sau khi Dự thảo Nghị định được Chính phủ phê duyệt, song ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) thừa nhận, không dễ có ngay câu trả lời thỏa đáng.

“Trong cơ chế hành chính hiện tại, nhất là khi cơ chế xin – cho vẫn còn chỗ, còn cả tâm lý e ngại thiếu cơ sở pháp lý, thì đúng là rất khó cho các thử nghiệm, các dự án mới. Nhưng nếu chúng ta không quyết tâm, mạnh dạn làm, thì sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Đây là lý do chúng tôi đề xuất đi nhanh trong cơ chế thử nghiệm, để có cơ sở hoàn thiện pháp lý”, ông Dương chia sẻ.

Nhưng theo ông Dương, đây không chỉ là cách giải tỏa cho các dự án mới. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, cùng với cải thiện việc tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, thì cải thiện môi trường đầu tư, gỡ bỏ các rào cản trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được trông đợi nhất.

“Lãi suất bắt đầu giảm rồi, giờ là lúc doanh nghiệp cần niềm tin để trở lại”, ông Dương nói.

Nguồn: baodautu.vn

All in one