Năm 2023, nguồn vốn đầu tư công do TP. Hải Phòng quản lý là hơn 22.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của Trung ương là hơn 1.300 tỷ đồng, nguồn vốn của Thành phố là gần 21.000 tỷ đồng.
Bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, khoản vốn đầu tư công lớn nhất năm 2023, với 13.221 tỷ đồng, được phân bổ cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp, khởi công mới đã đủ thủ tục đầu tư. Ngoài ra, Hải Phòng sẽ dành 1.500 tỷ đồng chi cho tiền sử dụng đất; 3.111 tỷ đồng bổ sung có mục tiêu và phân cấp cho các quận, huyện; 3.064 tỷ đồng cho xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; 10 tỷ đồng cho công tác quy hoạch; 55,2 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng…
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, việc bố trí vốn đầu tư công được Thành phố thực hiện tập trung, có thứ tự ưu tiên. Trong đó, Thành phố ưu tiên bố trí khoảng 30% tổng số vốn cân đối để tập trung cho các dự án, công trình trọng điểm năm 2023. Tập trung bố trí vốn bảo đảm các dự án có khả năng hoàn thành trong năm nay để bố trí 100% nhu cầu vốn cho công tác giải phóng mặt bằng và tối đa 80% vốn cho công tác xây lắp.
Cụ thể, các dự án dự kiến hoàn thành năm 2023 được bố trí vốn gồm: cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn từ cầu Đá Bạc tới cầu Kiền được bố trí 191 tỷ đồng; tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 354 qua Khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy 411 tỷ đồng; cầu Bến Rừng 257 tỷ đồng; tuyến đường từ đường bộ ven biển đến ngã ba Vạn Bún, quận Đồ Sơn 449 tỷ đồng; mở rộng tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn TP. Hải Phòng 229 tỷ đồng…
Đối với các dự án khởi công mới, Thành phố phân bổ 397 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công năm 2023 để khởi công xây dựng cầu Lại Xuân; 1.065 tỷ đồng cho Dự án Trung tâm Chính trị – Hành chính Bắc sông Cấm; 988 tỷ đồng cho Trung tâm Hội nghị – Biểu diễn Bắc sông Cấm; 670 tỷ đồng cho Dự án đường Đỗ Mười kéo dài; 404 tỷ đồng cho Dự án nút giao thông khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng – Máng Nước…
Phát triển hạ tầng khu đô thị, giao thông
Những năm gần đây, Hải Phòng đã triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm về phát triển hạ tầng khu đô thị, giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Đông Bắc bộ. Đến hết năm 2022, Thành phố có hơn 7.600 km đường bộ, 145 cây cầu, nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng như hệ thống đường ô tô cao tốc, đường quốc lộ, đường tỉnh và hệ thống cầu nối Hải Phòng với các địa phương.
Tiếp nối thành công của Dự án xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, đầu năm 2023, TP. Hải Phòng đã khởi công Dự án Đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị – Hành chính Thành phố, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm. Dự án được xây dựng tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, có diện tích khoảng 13,63 ha, tổng mức đầu tư 2.513,243 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
“Dự án sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định.
Quảng Ninh và Hải Phòng là 2 địa phương giáp ranh, nối với nhau bằng 4 hành lang giao thông đường bộ, cách nhau bởi hệ thống sông Đá Bạc và Đá Bạch. Trong đó, 3 hành lang gồm cầu Bạch Đằng, Quốc lộ 10 và cầu Bến Rừng đã và đang được triển khai đầu tư, xây dựng. Còn hành lang nối huyện Thủy Nguyên với TX. Đông Triều vẫn sử dụng phà Lại Xuân khiến giao thông 2 khu vực khá khó khăn, chưa phát huy tốt hiệu quả lợi thế của 2 địa phương.
Mới đây, TP. Hải Phòng đã phối hợp cùng Quảng Ninh khởi công cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 với tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2024. Với dự án này, 2 địa phương sẽ không còn cách trở bởi những chuyến phà, đò và Hải Phòng chính thức hoàn thành mục tiêu “trở thành trung tâm liên kết vùng” và hoàn thiện các vành đai giao thông đường bộ với tỉnh Quảng Ninh.