Theo thông tin từ Bộ Tài Chính, tính đến hết tháng 8/2023, các địa phương dẫn đầu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công gồm: Hải Phòng 76%, tỉnh Tiền Giang 62,12%, Long An 66,18% và Đồng Tháp 66,94%…
Cụ thể, hết tháng 8/2023 Hải Phòng đã giải ngân hơn 10.200 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 13.403,337 tỷ đồng.
Đối với các dự án do UBND thành phố giao kế hoạch vốn năm 2023, toàn thành phố có 23 chủ đầu tư được giao. Đến hết ngày 20/8, có 7 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt cao trên 65%, gồm: Công an thành phố Hải Phòng, huyện Kiến Thụy, Cát Hải, Vĩnh Bảo, An Lão, Trường Đại học Hải Phòng, Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và Đầu tư xây dựng công trình dân dụng.
Về tổng vốn phân cấp cho các quận, huyện là: 3.111,004 tỷ đồng thì đến hết ngày 20/8 đã giải ngân được 1.206,611 tỷ đồng, bằng 38,79% kế hoạch Hội đồng nhân dân thành phố giao. Trong đó: có 2/15 quận, huyện giải ngân trên 60%, gồm: Tiên Lãng (108,888/147,5 tỷ đồng, đạt 73,82%), Ngô Quyền (66,928/103,476 tỷ đồng, đạt 64,68%).
Có 10/15 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân đạt từ 30% đến dưới 60%, gồm: Dương Kinh, Kiến Thụy, An Lão, Đồ Sơn, Hồng Bàng, An Dương, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Lê Chân, Hải An. Còn lại 3 quận, huyện bao gồm: Kiến An, Bạch Long Vĩ, Cát Hải có tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 30% kế hoạch vốn được giao.
Về vốn bổ sung có mục tiêu để thực hiện xây dựng xã nông thôn mới. Tổng vốn bổ sung có mục tiêu cho 6 huyện để thực hiện xây dựng xã nông thôn mới là 3.085,584 tỷ đồng, đến hết ngày 20/8 đã giải ngân 898,742 tỷ đồng, bằng 29,13% kế hoạch Hội đồng nhân dân thành phố giao. Có 3 huyện đã giải ngân đạt từ 30% trở lên, gồm: Thủy Nguyên, An Lão, Kiến Thụy.
Trong bối cảnh chung khá ảm đạm của nền kinh tế, kết quả tích cực nêu trên trong nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng được đánh giá cao, xuất phát từ những chỉ đạo quyết liệt của thành phố, cùng với việc thực hiện hiệu quả các giải pháp phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Ngay từ những tháng đầu năm, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời thành lập 4 tổ công tác của thành phố do các phó chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; Ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội…
Cùng với đó, lãnh đạo thành phố đã thường xuyên kiểm tra thực địa, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý các vấn đề phát sinh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Các tổ công tác đôn đốc giải ngân cũng thường xuyên họp, kiểm tra, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong việc giải ngân.
Kho bạc Nhà nước Hải Phòng – cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, cũng luôn thực hiện đúng quy định về cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm soát chi để giúp các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp cận được nhanh với nguồn vốn.
Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian còn lại của năm 2023, UBND thành phố Hải Phòng đang tiếp tục đề nghị các chủ đầu tư chủ động phối hợp với các sở, ngành, huyện, thị tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong giải phóng mặt bằng;
Đặc biệt là tại các dự án trọng điểm của thành phố để đảm bảo tiến độ dự án; chủ động đề xuất điều chuyển vốn giữa các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, cần bổ sung vốn; lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu; lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp theo quy định, không để tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá đối với hợp đồng trọn gói.
Đối với các chủ đầu tư có kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 dưới mức bình quân chung của thành phố, UBND thành phố yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả để đẩy mạnh tình hình giải ngân trong thời gian tới.
Đặc biệt, UBND thành phố Hải Phòng sẽ có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật đối với các hành vi cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong công tác quản lý đầu tư công.
Về phía Kho bạc Nhà nước Hải Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ, an toàn nguồn vốn; đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về công khai quy trình, hồ sơ và thời gian kiểm soát thanh toán; thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Đầu tư công; đẩy mạnh phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”, đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần, theo Nghị định số 11/2020/NĐ- CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc.
Đồng thời, Kho bạc Nhà nước Hải Phòng sẽ bám sát tiến độ của các dự án trọng điểm, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh toán ngay với kho bạc khi có khối lượng hoàn thành.
Nguồn: vneconomy.vn