UBND TP. Hải Phòng vừa duyệt bổ sung 2 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện An Dương vào Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp TP.Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025…

uniland hinh 2a
Ảnh minh họa.

Đó là Cụm công nghiệp phụ trợ Tràng Duệ tại xã Hồng Phong và xã An Hòa, huyện An Dương, có diện tích khoảng 58,8ha; Cụm công nghiệp Lê Thiện-Đại Bản tại xã Lê Thiện và xã Đại Bản, huyện An Dương, diện tích  59,33ha. Cả hai cụm công nghiệp đều có tính chất là cụm công nghiệp công nghiệp cao, công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử-tin học; công nghiệp hỗ trợ (phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử-tin học cơ khí, điện tử-tin học).

UBND TP giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND huyện An Dương, cùng cơ quan liên quan thực hiện lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, thành lập cụm công nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ và  quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trước đó, Hải Phòng đã bổ sung Cụm công nghiệp Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng vào Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp TP.Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Cụm công nghiệp Quyết Tiến có diện tích 50 ha, với tính chất quy hoạch là: công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp nhẹ (thực phẩm, may mặc, giầy dép, văn phòng phẩm, chế biến nông sản); công nghiệp hỗ trợ (phục vụ các ngành cơ khí, điện tử, đóng tàu, may mặc, giày dép…).

Theo UBND TP, việc hình thành và phát triển các cụm công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ.

Hiện trên địa bàn thành phố có 5 cụm công nghiệp, gồm Vĩnh Niệm, An Lão, Tân Liên, Tàu thủy An Hồng và Quán Trữ đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 86% và cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, còn có 6 cụm công nghiệp (tính đến tháng 6/2023) có Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định thành lập cụm công nghiệp đang triển khai. Cụ thể là Cụm công nghiệp Tiên Cường II, huyện Tiên Lãng, được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định số 202/QĐ-UBND ngày 18/01/2022; thành lập cụm công nghiệp tại Quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 23/2/2022, với quy mô 47,8 ha, chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Tiến Phát.

Cụm công nghiệp Đại Thắng, huyện Tiên Lãng được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 14/3/2022; thành lập cụm công nghiệp tại Quyết định số 1012/QĐ-UBND ngày 31/3/2022, với quy mô 21,3 ha, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp TPA Land Việt Nam.

Cụm công nghiệp Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo được UBND TP ban hành Quyết định thành lập cụm công nghiệp tại Quyết định số 790/QĐ-UBND ngày 14/3/2022; thành lập cụm công nghiệp tại Quyết định số 1013/QĐ-UBND ngày 31/3/2022, với quy mô 50 ha, chủ đầu tư là Công ty TNHH MDA E &C.

Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp Quang Phục, huyện Tiên Lãng (49,7 ha), An Thọ, huyện An Lão (49,97 ha), Dũng Tiến – Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo (49,97 ha) cũng đều được UBND TP ban hành Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định thành lập cụm công nghiệp vào năm 2023.

Hiện các cụm công nghiệp đang thực hiện thủ tục về đầu tư, xây dựng, có thể triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư trong giai đoạn đến năm 2025.

Nguồn: vneconomy.vn

All in one