Công tác lập và thẩm định quy hoạch đang được đẩy nhanh hơn. Khi “điểm nghẽn” này được gỡ bỏ, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước.

a t4 1
Quy hoạch hiện đại đã biến Bãi Cháy (Quảng Ninh) trở thành điểm đến yêu thích của nhà đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

Tháo gỡ “điểm nghẽn”

Công tác lập quy hoạch tiếp tục nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội. Cho rằng, công tác lập quy hoạch có vai trò quan trọng, nhưng kết quả thực hiện còn chậm, gây khó khăn cho các địa phương trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) trong phiên chất vấn sáng 6/11 đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ nguyên nhân vì sao và giải pháp để đẩy nhanh.

Còn đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế – xã hội còn thẳng thắn rằng, việc chậm lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 vẫn là “một điểm nghẽn” chưa được tháo gỡ hiệu quả.

Đây không phải là lần đầu tiên, câu chuyện này được nhắc tới. Trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc chậm lập quy hoạch đã luôn được nhấn mạnh trong những năm gần đây. Tuy vậy, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Công tác quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn”.

Con số được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc tới, đó là trong tổng số 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, đã có 106 quy hoạch được hoàn thành việc thẩm định, trình thẩm định hoặc phê duyệt xong. “Đây là nỗ lực rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chỉ mới tuần trước, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng Thẩm định quy hoạch cấp tỉnh thông qua, với điều kiện phải chỉnh sửa, hoàn thiện. Chỉ trong tháng 10/2023, quy hoạch các tỉnh Điện Biên, Kon Tum, Thừa Thiên Huế… cũng đã lần lượt được thông qua. Thời gian gần đây, có thời điểm, chỉ trong vòng 1 tuần, Hội đồng Thẩm định phải xem xét, thẩm định 2-3 quy hoạch. Đòi hỏi rất cấp bách nên Hội đồng Thẩm định cũng rất nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ của mình.

“Đúng là công tác lập quy hoạch lúc đầu có vướng mắc, nhưng sau khi có Nghị quyết 61/2022/QH15 của Quốc hội thì vướng mắc đã được giải quyết, tiến độ lập quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, hai vấn đề lớn nhất hiện nay là lập và thẩm định 2 quy hoạch của Hà Nội và TP.HCM, hai cực tăng trưởng của đất nước, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Vì có vai trò lớn như vậy, nên lập và thẩm định hai quy hoạch này không đơn giản, phải báo cáo Chính phủ và Quốc hội trước khi Hội đồng Thẩm định họp.

Vấn đề thứ hai, đó là đối với các quy hoạch đã thẩm định xong, phải mất thời gian tiếp thu ý kiến, hoàn thiện lại hồ sơ và trình lại HĐND của các địa phương, rồi mới trình Thủ tướng thông qua.

“Việc này mất rất nhiều thời gian, vì phải lấy ý kiến thống nhất giữa địa phương với các bộ, ngành, phải rà soát lại các quy hoạch ‘cấp trên’, như quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và lý giải, công tác này mất rất nhiều thời gian, nhưng phải như vậy để đảm bảo chất lượng của quy hoạch.

Thực tế, khi thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) cũng bày tỏ lo lắng, hiện nay, các quy hoạch đang được lập đồng thời. Việc tích hợp các quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn và điều này có thể dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất, liên thông, kết nối giữa các quy hoạch, thậm chí tạo sự chồng lấn, mâu thuẫn…

Lần đầu tiên công tác lập quy hoạch được thực hiện theo phương pháp tích hợp, lại được lập đồng thời nên khó tránh những khó khăn, vướng mắc, khiến kéo dài thời gian. Mặc dù, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất nỗ lực đẩy nhanh công tác lập và thẩm định quy hoạch, bao gồm quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, nhưng một trong những yêu cầu xuyên suốt của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là “nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng”. Chính vì vậy, công tác thẩm định, hoàn thiện quy hoạch hiện đang được thực hiện một cách thận trọng.

Mở đường cho phát triển kinh tế – xã hội

Lần lượt, hầu hết các quy hoạch tỉnh đã được lập và thẩm định, cũng như thông qua. Đây chính là nhiệm vụ sống còn, để không bỏ lỡ cơ hội phát triển, khi mà một thời kỳ phát triển mới đang được mở ra.

Quy hoạch, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định, giống như “người công binh mở đường”, nếu mở đường thắng lợi thì “cuộc chiến” sẽ thắng lợi.

Các địa phương, khi xây dựng quy hoạch, đều đặt ra các mục tiêu lớn. Ví như Quảng Nam mới đây, theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, mục tiêu của Quảng Nam đến năm 2030 là trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Còn Hải Phòng, mục tiêu là trở thành thành phố hàng đầu ở châu Á, là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước, là cửa ngõ hướng ra biển Đông trên vịnh Bắc Bộ. Trong khi đó, mục tiêu của Thừa Thiên Huế là trở thành một đô thị thông minh gắn với di sản Cố đô Huế. Đà Nẵng muốn trở thành cực tăng trưởng của Vùng kinh tế miền Trung…

Khi “kim chỉ nam” đã được thiết lập, các địa phương sẽ biết cách để tận dụng tiềm năng, lợi thế và có giải pháp để biến kế hoạch thành hiện thực. Một số địa phương đã tận dụng rất tốt các cơ hội này. Bắc Giang là một ví dụ.

Đây chính là địa phương đầu tiên lập, thẩm định và thông qua quy hoạch. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chính là một trong những người theo sát tiến trình này. Ông lý giải, Bắc Giang muốn sớm hoàn thành quy hoạch để đón đầu cơ hội của dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển.

Quả đúng như vậy, từ sau khi quy hoạch được thông qua, Bắc Giang đã thu hút được hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài của các đại gia công nghệ và giờ đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư.

“Quy hoạch sẽ tạo tiền đề quan trọng, mở ra cơ hội phát triển bứt phá của tỉnh trong thời gian tới”, ông Nguyễn Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nói.

Không chỉ Bắc Giang, nhiều địa phương cũng đang được “hưởng lợi” nhờ đẩy nhanh công tác lập quy hoạch. Một bằng chứng, đó là tại các hội nghị công bố quy hoạch, bao giờ cũng kèm theo các cam kết đầu tư lớn.

Công tác quy hoạch đang được đẩy nhanh và đó là điều tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã có tới 106/111 quy hoạch cấp quốc gia đã được lập, thẩm định hoặc thông qua, nhưng khối lượng công việc còn lại là rất lớn. Theo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, tính đến cuối tháng 9/2023, mới có 16/38 quy hoạch ngành quốc gia; 1/6 quy hoạch vùng và 13/63 quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn rất lớn, trong khi giờ đã là thời điểm cuối năm 2023.

Chính vì thế, khi phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh việc đẩy nhanh công tác lập quy hoạch. “Quy hoạch phải đi trước một bước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Nguồn: baodautu.vn

All in one