Các trung tâm logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 60-70% tổng lượng hàng hóa của tỉnh Đồng Nai, còn lại các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics truyền thống đảm nhận 30-40%…
Dự thảo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị tư vấn đề xuất quy hoạch 4 trung tâm logistics quy mô lớn.
Theo đó, 4 trung tâm, gồm: Trung tâm tổng kho miền Đông – Trảng Bom (620ha); trung tâm hậu cần cảng Phước An (234ha); trung tâm phía Bắc sân bay Long Thành (100ha); trung tâm phía Nam sân bay phối cảnh một trung tâm logistics.
Các trung tâm logistics được quy hoạch gần với các đầu mối giao thông là: sân bay Long Thành, cảng Phước An, ga đường sắt Trảng Bom để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics.
Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền Nam với hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, kho bãi của các doanh nghiệp trong vùng. Ngành logistics sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong các ngành dịch vụ của tỉnh.
Do đó, bản dự thảo quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics của Đồng Nai đạt khoảng 30-35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP ngành dịch vụ của tỉnh từ 20-25%.
Các trung tâm logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 60-70% tổng lượng hàng hóa của tỉnh Đồng Nai, còn lại các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics truyền thống đảm nhận 30-40%.
Theo dự thảo quy hoạch, một trong những lợi thế để Đồng Nai phát triển logistics, đó là lợi thế về các khu công nghiệp đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp. Đây được xác định là thị trường tiềm năng cho hệ thống cảng, dịch vụ vận tải hàng hóa, logistics của Đồng Nai.
Tiềm năng phát triển logistics của Đồng Nai được hưởng lợi từ các dự án giao thông trọng điểm cũng như nền công nghiệp lớn mạnh tại địa phương và các tỉnh lân cận như TP.HCM và Bình Dương.
Với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cụm cảng Phước An và trung tâm logistics tại Trảng Bom, Hố Nai, tỉnh Đồng Nai có tiềm năng trở thành trung tâm hàng không của khu vực với dịch vụ hậu cần toàn diện và trung tâm xử lý hàng xuất nhập khẩu hàng đầu cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khả năng liên kết được nâng cao giữa các tỉnh cũng mở ra một hướng đi mới về phát triển kinh tế cho tỉnh khi Đồng Nai không nhất thiết phải cạnh tranh với Bình Dương về công nghiệp mà có thể lựa chọn các ngành công nghiệp hỗ trợ và tận dụng lợi thế cửa ngõ cảng hàng không quốc tế của tỉnh.
Ngoài ra, Đồng Nai cũng có tiềm năng trong việc xây dựng trung tâm logistics. Với lợi thế là địa phương có quy hoạch nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, thị trường xuất nhập khẩu rộng lớn, Đồng Nai đang từng bước quy hoạch, phát triển để trở thành trung tâm logistics cho khu vực.
Tổng khu trung chuyển miền Đông (huyện Trảng Bom) sẽ là khu vực ICD lớn của tỉnh, lợi thế gần sông biển và gần các cảng biển lớn ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Bên cạnh đó, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, cùng với hệ thống đường cao tốc… sẽ hình thành một chuỗi đô thị lớn kéo dài từ Bình Dương Biên Hòa, TP.HCM qua Long Thành, Nhơn Trạch, từ đó xây dựng thành chuỗi logistics phục vụ nhu cầu sản xuất, xuất nhập khẩu.
Thực tế, hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai vẫn đang làm dịch vụ xuất nhập khẩu ở TP.HCM, cảng Cát Lái, trong khi đó, địa phương lại có lợi thế hơn hẳn về đường sông và hệ thống cảng.
Do vậy, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phải kéo được các doanh nghiệp ở trong tỉnh và trong khu vực về làm dịch vụ xuất nhập khẩu. Địa phương cho rằng, lâu dài thì xu hướng dịch chuyển ra khỏi trung tâm đô thị là chủ đạo. Thế nên các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm khu vực có không gian lớn để làm nơi lưu trữ hàng hóa chuẩn bị cho xuất khẩu. Đồng Nai sẽ tính toán để sẵn sàng phục vụ khi có nhu cầu.