Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, từ nay đến cuối năm 2023 cơ bản không thiếu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong cả nước.

Chiều 4/7, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, phóng viên đặt câu hỏi về việc cắt điện luân phiên , nguy cơ thiếu điện thời gian tới ra sao? Bộ Công Thương xây dựng kịch bản cung ứng điện như thế nào? Cơ chế mua bán điện mặt trời áp mái, hệ thống này có cần phải đấu nối hay không?

Trả lời về cung ứng điện trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, qua tổng kết cho thấy, nhu cầu điện sản xuất, tiêu dùng của người dân tăng, cao hơn so với cùng kỳ 2022.

điện mặt trời
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải

Theo ông Hải, trong 4 tháng đầu năm, tình hình cơ bản thực hiện tốt, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân cả nước.

Song trong tháng 5, 6 gặp nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện tăng, thuỷ văn không thuận lợi, đặc biệt phía Bắc phụ thuộc nhiều vào thuỷ điện, cùng với những khó khăn trong vận hành, sửa chữa các nhà máy điện, đã ảnh hưởng đến việc cung ứng điện, nên EVN đã phải tiết giảm, cắt điện tại một số địa phương, đặc biệt ở khu vực phía Bắc.

Trong 10 ngày cuối tháng 6, lưu lượng nước đã có cải thiện, mực nước các hồ đã dâng cao, sự cố các tổ máy điện cũng được khắc phục, nên hệ thống điện miền Bắc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải.

Trong 6 tháng cuối năm và trong tháng 7 này, vận hành hệ thống điện vẫn còn khó khăn. Đối với hệ thống điện phía Bắc, dự báo còn xảy ra nắng nóng, nước hồ thuỷ điện tuy có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.

Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo, yêu cầu EVN bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế, đảm bảo vận hành, cung cấp điện an toàn, ổn định, chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với những tình huống khó khăn, trường hợp xảy ra bất thường, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền.

4 giải pháp: cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy điện, hạn chế tối đa và nhanh chóng khắc phục sự cố nếu có; vận hành hợp lý nguồn thuỷ điện; làm tốt công tác tiết kiệm điện và đặc biệt là vai trò của UBND các tỉnh, thành mà đầu mối là các Sở Công thương; và phải tính lâu dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn lưới điện.

“Từ nay đến cuối năm 2023 cơ bản không thiếu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong cả nước.

Điện mặt trời “ưu tiên phát triển không giới hạn”

Về giá điện mặt trời , ông Hải cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, đặc biệt Bộ Công Thương, các bộ, ngành khác và các địa phương rà soát chấn chỉnh việc thực hiện đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, để đảm bảo phát triển bền vững, tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Theo ông Hải, từ nay đến 2030, công suất nguồn điện ước tính tăng thêm 2.600 MW, với công suất rất lớn, loại hình này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

Bộ Công Thương đã có báo cáo, trình Thủ tướng dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, lắp đặt tại nhà, trụ sở, công sở các doanh nghiệp. Bộ cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành xin ý kiến dự thảo, đã nhận được một số ý kiến phản hồi.

Trên cơ sở các góp ý này, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, ông Hải nói.

Nguồn: cafef.vn

All in one