Nếu coi đất nền là phân khúc tạo “sóng”, thì hiện tại thị trường đang rơi vào tình trạng “sóng yên, biển lặng”. Thậm chí, ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng ái ngại khi gia nhập cuộc chơi.
Không còn là “món hời” của nhà đầu tư
“Thị trường đất nền có lẽ phải chờ tới năm sau mới bắt đầu hồi phục. Phía người mua vẫn đợi giá đất tiếp tục giảm thêm, phía bên bán thì cố giữ đất, chờ thời. Hai bên không ai chịu ai nên lượng giao dịch gần như không có tiến triển so với hồi đầu năm”, một nhà đầu tư đất nền với hơn 15 năm kinh nghiệm cho hay.
Ngay cả những địa điểm từng “sốt nóng” một thời như huyện Thạch Thất, nơi tọa lạc của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cũng chịu cảnh đìu hiu không kém. Theo đó, nhiều nhà đầu tư đã lên kế hoạch gom đất tại đây để xây chung cư mini nhằm mục đích cho sinh viên thuê.
Tuy nhiên, sau vụ cháy thương tâm tại Hà Nội, loại hình bất động sản này đã bị các cơ quan quản lý siết chặt hơn. Chủ đầu tư sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Điều này khiến nhiều “cá mập” ngần ngại và từ bỏ ý định mua đất, xây chung cư. Động thái trên khiến sức “nóng” của thị trường đất nền huyện Thạch Thất bị giảm sút.
Ngoài ra, hiện khu vực này vẫn chưa thực sự nhộn nhịp, cư dân sinh sống còn thưa thớt và vị trí nằm tương đối xa so với khu vực nội thành (cách trung tâm Hà Nội khoảng 37 km). Theo chia sẻ từ người trong cuộc, đất nền là một phân khúc “chuyên để lướt sóng”. Vì vậy, các nhà đầu tư sẽ không thể đợi 5 – 10 năm để khu vực này phát triển rồi mới bán đất, thu lời.
“Hiện nhiều người thích mua đất tại các khu vực ngoại thành vì tiềm năng sinh lời cao, dễ dàng mua đi bán lại. Mức giá tại đây cũng rẻ hơn, chỉ cần 1 – 2 tỷ đồng là đã có thể mua được những lô có vị trí đẹp. Nếu mua trong khu vực nội đô, khách hàng sẽ phải bỏ ra ít nhất là tầm 2 – 3 tỷ đồng”, một nhà đầu tư cho biết.
Dẫu vậy, người này cũng thừa nhận rằng thị trường đang trong giai đoạn ảm đạm. Bản thân nhà đầu tư này đã phải “cắt lỗ” gần 800 triệu đồng cho một mảnh đất ở ngoại thành Hà Nội.
Xét trong tầm nhìn ngắn hạn, những người mua có ý định đầu cơ sẽ rất khó để chốt lãi ở thị điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu vẫn muốn xuống tiền vào lúc này, những mảnh đất thổ cư, pháp lý chỉn chu và nằm tại các quận của Hà Nội sẽ là một sự lựa chọn an toàn.
Thị trường thiếu sôi động, mức giá đi ngang
Theo khảo sát của Batdongsan, lượng giao dịch đất nền trong quý III/2023 vẫn chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, mức độ quan tâm của thị trường cũng sụt giảm tới 73% so với mức đỉnh hồi tháng 3 năm ngoái.
Trước tình hình trên, giá đất nền tại nhiều quận, huyện ven đô Hà Nội đã được điều chỉnh giảm. Chẳng hạn tại huyện Đông Anh, giá đất khu vực này đang đi ngang.
Cụ thể, xã Nguyên Khê sau vẫn ghi nhận giá đất dao động quanh mức 38 – 43 triệu đồng/m2 từ cuối tháng 6 đến nay. Giá đất nền xã Võng La cũng ổn định trong khoảng 34 – 40 triệu đồng/m2, đất nền Cổ Loa đi ngang ở mức 18 – 21 triệu đồng/m2, đất nền Hải Bối vẫn xoay quanh mốc 50 – 55 triệu đồng/m2.
Tại huyện Hoài Đức, giá đất nền cũng không ghi nhận sự thay đổi đáng kể. Ở các vị trí ngõ rộng, ô tô tránh nhau, có thể kinh doanh và cho thuê mặt bằng tại Di Trạch, Kim Chung, An Khánh, mức giá trung bình vẫn rơi vào khoảng 66-74 triệu đồng/m2. Đất trong làng ở Đông La, Kim Chung, Đức Thượng, Song Phương… duy trì mức 27- 40 triệu đồng/m2.
Tương tự, giá đất nền huyện Đan Phượng đi ngang trong hơn một tháng qua. Khu mặt đường Tân Lập đang có mức 52 – 57 triệu đồng/m2, đất mặt đường Tân Hội duy trì mức 55 – 57 triệu đồng/m2. Giá đất trong làng ở Hạnh Đàn, Liên Trung, Bình Minh… không có biến động trong thời gian gần đây, vẫn duy trì mức giá hơn 20 triệu đồng/m2.
Ngược lại, giá đất tại một số quận nội thành Hà Nội hiện khá cao, trung bình trên 100 triệu đồng/m2.
Cụ thể, giá đất tại quận Cầu Giấy khoảng 170 triệu đồng/m2. Tại quận Thanh Xuân, giá đất trung bình đạt 127 triệu đồng/m2. Đối với quận Hoàng Mai, giá đất tại đây cũng không hề kém cạnh khi lên tới 82 triệu đồng/m2.
Ở quận Hà Đông, khu vực Yên Nghĩa xuất hiện một số trường hợp chủ đất rao bán “cắt lỗ” tại một số nền có giá trị lớn. Tuy nhiên, tại các mảnh giá 50 – 60 triệu đồng/m2 tại Phú Lãm, Yên Nghĩa, Dương Nội, Thanh Hà, mức giá lại không có nhiều sự thay đổi.
Tại quận Long Biên và Nam Từ Liêm, cả hai khu vực này đều là các “điểm nóng” của thị trường bất động sản trong thập kỷ qua. Hiện giá đất tại hai quận này lần lượt rơi vào khoảng 82 triệu đồng/m2 và 79 triệu đồng/m2.