Tạo dựng nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp ô tô và tiếp tục thúc đẩy triển khai dự án điện khí sẽ là “đôi cánh” tạo lực đẩy mạnh cho công nghiệp Quảng Nam.
Trụ cột ô tô
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Kế hoạch sản xuất năm 2024, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco), ông Trần Bá Dương khẳng định, năm 2024, Trường Hải – Chu Lai bắt đầu bước vào chu kỳ đầu tư phát triển mới, hình thành hệ sinh thái công nghiệp đa ngành thế hệ mới của Thaco tại Chu Lai (Quảng Nam) trên nền tảng quản trị công nghiệp, phát triển xanh, thông minh, bền vững và hiện đại.
Trong hoạch định của mình, Thaco sẽ triển khai đầu tư nhiều dự án lớn tại Chu Lai trong năm 2024, với tổng vốn đầu tư sẽ giải ngân trong năm gần 3.900 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách tại Quảng Nam sẽ khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023.
Thaco đang tiếp tục tạo nên những dấu mốc lớn tại Chu Lai. Khi có quyết định lập Khu kinh tế mở Chu Lai vào năm 2003, không nhiều người có thể hình dung được khu kinh tế ven biển này sẽ phát triển ra sao. Nhưng đến nay, sau 21 năm, từ vùng đất đầy cát trắng, Quảng Nam đã hiện thực hóa khát vọng đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành động lực tăng trưởng. Và ở đó, đã hình thành một thương hiệu quốc gia, mang tên Thaco Trường Hải.
Từ một nhà máy giữa mênh mông cát trắng, liên tiếp nhiều nhà máy nữa được xây dựng và đưa vào hoạt động với dây chuyền công nghệ hiện đại, hình thành Trung tâm Công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô quy mô bậc nhất tại Việt Nam và thuộc tốp đầu trong khu vực Đông Nam Á. Những dòng ô tô du lịch, ô tô tải, ô tô bus xuất phát từ Chu Lai – Trường Hải đã lan tỏa khắp nước và ra cả nước ngoài, tạo dựng hình ảnh, vị thế kinh tế Quảng Nam; xác lập một thương hiệu quốc gia trên đất Quảng. Tập đoàn Thaco là “sếu đầu đàn” làm tổ tại Quảng Nam, sự phát triển của doanh nghiệp này tác động lớn đến tăng trưởng, khi hằng năm đóng góp chủ lực cho ngân sách tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Quảng Nam sẽ phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia… Những định hướng này trùng khớp với chiến lược phát triển của Thaco. Và Thaco trở thành doanh nghiệp trụ cột để thực hiện các định hướng theo Quy hoạch của Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh khẳng định, Thaco Trường Hải đã là “một đại bàng lớn” và cả nước hiện không có nhiều tập đoàn đa ngành như Trường Hải. Tỉnh Quảng Nam đã có một “đại bàng” lớn như vậy, thì phải nuôi dưỡng, tạo điều kiện để “đại bàng” lớn mạnh, từ đó sẽ sinh ra những “đại bàng” khác.
Hiện nay, 6 tập đoàn trực thuộc Thaco đang từng bước hình thành 6 “đại bàng” và tỉnh sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện hỗ trợ, cùng với Thaco để hình thành 6 “đại bàng” nữa.
“Sự phát triển của Thaco có những tác động rất lớn không chỉ ở Quảng Nam, mà còn cho cả khu vực Tây Nguyên, vùng Bắc
Campuchia và vùng Nam Lào, nên chúng ta phải tiếp tục tạo điều kiện cho Trường Hải phát triển mạnh hơn”, ông Lê Trí Thanh khẳng định.
Mỏ vàng điện khí
Một lĩnh vực công nghiệp quan trọng khác được định hướng trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam là thúc đẩy phát triển Dự án Trung tâm Điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh và vùng.
Đây là dự án được ví như “mỏ vàng” đối với hai địa phương là Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Trung tâm Điện khí miền Trung gồm 4 nhà máy điện, với tổng công suất 3.000 MW, sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và đang xúc tiến triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Những dữ liệu được công bố cho thấy, Chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh gồm các dự án thành phần là Dự án Phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh, các dự án nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh (Miền Trung I, II, tỉnh Quảng Nam) và Dung Quất I, II và III (tỉnh Quảng Ngãi). Dự kiến, khi đi vào vận hành thương mại, hàng năm, 5 nhà máy điện thuộc Chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 23-25 tỷ kWh điện. Tính toán sơ bộ, tổng thu ngân sách nhà nước từ chuỗi dự án này đạt trên chục tỷ USD.
Dự án trên khi đi vào hoạt động sẽ tạo đột phá mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách cho Quảng Nam. Thế nên, địa phương này đã chuẩn bị mọi điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các đối tác khảo sát vùng biển, đất liền tại khu vực dự kiến đặt Dự án. Quảng Nam đã quy hoạch 1.000 ha đất, điều chỉnh quy hoạch, hình thành các khu công nghiệp tập trung (khoảng 3.000 ha), xúc tiến các dự án sử dụng sản phẩm khí. Sẵn sàng giao mặt bằng sạch khi nhà đầu tư triển khai dự án.
Theo tính toán ban đầu, mỗi năm, ngân sách Quảng Nam sẽ có thêm 1 tỷ USD từ dự án này, giải quyết việc làm cho 3.000 – 4.000 lao động. Tháng 7/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các nội dung đề nghị của Bộ Công thương về thúc đẩy triển khai Chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh.
Không chỉ Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang rất trông chờ chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh, bởi tại Khu kinh tế Dung Quất sẽ triển khai 3 dự án nằm trong chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh, gồm các dự án Điện khí Dung Quất I, II, III và dự án hạ tầng dùng chung cho các nhà máy điện tua-bin khí hỗn hợp. Dự kiến, mỗi dự án có công suất 750 MW; tổng mức đầu tư của 3 dự án là 2,5 tỷ USD. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai dự án, khi tiến độ cấp khí của dự án thượng nguồn thuộc Chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh được khởi động…
Vẫn chưa xác định khi nào dòng khí đầu tiên từ mỏ Cá Voi Xanh sẽ được đưa vào bờ, nhưng với tiềm năng đầy triển vọng và những kế hoạch đang được thúc đẩy triển khai, tin rằng, một ngày nào đó, “mỏ vàng” này sẽ được khai thác.
Nguồn: baodautu.vn