Nhiều dự án quy mô lớn ở khu vực phía Nam đã nhanh chóng hồi sinh và đưa sản phẩm ra thị trường sau khi được M&A.
Khi dự án chết được hồi sinh
Sau hơn 12 năm nằm đắp chiếu, dự án Kenton Residences (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) do Công ty cổ phần Phát triển Tài Nguyên đã được khởi động lại từ đầu năm 2022. Theo đó, hàng rào rỉ sét đã được thay mới, dòng chữ Kenton Residences vốn bị phai mờ vì nắng gió cũng đã được thay bằng cái tên mới Grand Sentosa.
Cũng trên tấm bảng giới thiệu về chủ đầu tư, bên cạnh Công ty Tài Nguyên là một cái tên khá quen thuộc trong giới bất động sản – Novaland. Novaland hợp tác với Tài Nguyên theo hình thức chủ đầu tư góp quỹ đất, còn Novaland rót thêm một phần vốn để dự án có thể khởi động trở lại.
Đồng thời, nguồn cung của dự án cũng được thay đổi. Theo đó, Grand Sentosa được quy hoạch là một tổ hợp thương mại dịch vụ và khu nhà ở cao cấp, với diện tích tổng khu hơn 8,3 ha, dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm căn hộ, nhà phố thương mại…
Trước đó, dự án này do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư với tổng vốn 300 triệu USD. Đầu năm 2010, đơn vị này mở bán 100 căn hộ giai đoạn một với giá khoảng 1.560 – 2.250 USD/m2. Tuy nhiên, đến giữa năm 2010, dự án buộc phải tạm ngưng do sự đóng băng toàn thị trường.
Tháng 5/2017, dự án “hồi sinh” với tên gọi mới Kenton Node cùng số vốn hơn 1 tỷ USD. Dự án lúc này có thêm nhiều hạng mục công trình như căn hộ, khách sạn, nhà hát, trường học, phòng khám quốc tế… Thời điểm đó, hai ngân hàng BIDV và MSB rót hơn 1.000 tỷ đồng, thế nhưng dự án lại một lần nữa bị ngưng lại vì vấn đề tài chính.
Với sự tham gia của Novaland, dự án này đã được đổi tên một lần nữa thành Grand Sentosa, dự kiến đi vào vận hành trong năm 2024. Dự án giờ đây được chủ mới định vị là tổ hợp thương mại dịch vụ, nhà ở cao cấp và là biểu tượng ở cửa ngõ khu Nam TP.HCM.
Còn ở khu Đông Thành phố, Khu đô thị Sài Gòn Bình An (phường An Phú, TP. Thủ Đức) cũng nhanh chóng được “tái sinh” vào đầu tháng 1/2022.
Dự án nằm mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, kết nối vào đường dẫn cao tốc TP.HCM – Dầu Giây, có diện tích khoảng 117,4 ha. Dự án trước đây của Công ty Him Lam hiện nay về tay Masterise Homes với tên gọi The Global City.
Từ quy hoạch ban đầu là khu sân golf 18 lỗ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và khu nhà ở, nay The Global City được điều chỉnh thành một khu đô thị cao cấp, với sự tham gia quy hoạch và thiết kế của công ty kiến trúc hàng đầu thế giới Foster+Partners.
Mới đây, Masterise Homes đã khai trương Giai đoạn 1 của Khu nhạc nước ngoài trời với quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại dự án. Đây là khu tiện ích đầu tiên đi vào hoạt động kể từ khi dự án được công bố.
Bên cạnh khu nhạc nước, Masterise Homes đang dần hoàn thiện hàng loạt những tiện ích công cộng hiện đại tại The Global City như Khu nhà mẫu quy mô lớn, hệ thống kênh đào dài 2 km, diện tích công viên cây xanh lên đến 13 ha… Riêng phân khu nhà phố SOHO hiện đã thi công gần xong toàn bộ phần móng và dự kiến sẽ hoàn thiện, bàn giao trong quý II/2023.
Ngoài những dự án nói trên, thị trường bất động sản thời gian qua cũng chứng kiến hàng loạt dự án đã và đang đi vào hoạt động thông qua M&A sau thời gian dài “đắp chiếu” như The Aston Luxury Residence Nha Trang của Tập đoàn Danh Khôi; NovaWorld Phan Thiết, Aqua City của Tập đoàn Novaland; Icon Plaza của Danh Việt Group; dự án Grand Marina Saigon của Masterise Home; khu đô thị Izumi City của Tập đoàn Nam Long.
Rã băng thị trường
Có thể thấy, loạt dự án “tỉnh giấc” sau nhiều năm “ngủ quên” không chỉ là cái kết đẹp cho chủ đầu tư, đơn vị phát triển và những khách hàng đã đặt cọc mua nhà, mà còn giúp thay đổi bộ mặt đô thị và hứa hẹn làm nóng thị trường.
Khi thị trường khó khăn về dòng tiền cũng là cơ hội “đi săn” của những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính. Các doanh nghiệp không chỉ dùng công cụ M&A để thu gom tài sản giá tốt mà còn gia tăng sức cạnh tranh, thị phần trong bối cảnh thị trường đang có nhiều biến động.
Xu hướng này cũng được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong bối cảnh thị trường đang gặp không ít khó khăn vì thủ tục pháp lý kéo dài, loạt doanh nghiệp không đủ khả năng huy động vốn buộc phải bán dự án để “tiếp máu” cho doanh nghiệp. Đó là lý do những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp như Novaland, Masterise, Danh Khôi, Hưng Thịnh, Nam Long, Phú Long vẫn kiên trì với chiến lược M&A suốt nhiều năm liền.
Theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng, M&A luôn là hoạt động thường xuyên của thị trường bất động sản và hoạt động M&A bất động sản cũng chiếm một vị trí đáng kể trong thị trường M&A nói chung trong giai đoạn thị trường trầm lắng do thanh khoản kém, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn.
Ông Hoàng dự báo, thời gian tới, sẽ có nhiều thương vụ M&A lớn được kích hoạt. Có nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này, nhưng tựu trung là nhu cầu phát triển đầu tư của doanh nghiệp, quy hoạch và quỹ đất không dồi dào khiến nhiều chủ đầu tư sẽ phải gia tăng M&A để tạo quỹ đất. Các doanh nghiệp có quỹ đất, nhưng thương hiệu hoặc năng lực phát triển dự án còn hạn chế, sẽ phải tìm các đối tác để cùng phát triển.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và tăng giá, thủ tục triển khai dự án siết chặt, thông qua các thương vụ M&A, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành thủ tục pháp lý. Mặc dù tốc độ hồi sinh dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng có một điểm chung là bên mua đều đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án ngay sau khi được mua lại, hứa hẹn mang đến nguồn cung sản phẩm bất động sản chất lượng, vốn đã khan hiếm nguồn cung mới trong nhiều năm liền.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, ngày càng có nhiều lời chào hàng xuất hiện trên thị trường, cả từ người bán và người mua, trong đó có các dự án điêu đứng do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính và thủ tục pháp lý.
Theo ông Phúc, thời điểm này là cơ hội cho người mua săn lùng các dự án mới và người bán giải tỏa gánh nặng tài chính của mình.
“Chúng ta không thể biết khó khăn của thị trường bất động sản sẽ kéo dài bao lâu, song một điều chắc chắn, M&A vẫn diễn ra thường xuyên. Tuy vậy, người mua cũng đang dần trở nên “kỹ tính”, lựa chọn tài sản cẩn thận, đặc biệt không còn hứng thú với những dự án dính đất công hoặc chưa “sạch” pháp lý. Đây sẽ là nền tảng tạo nên một thị trường chuyển nhượng nói riêng và bất động sản nói chung bền vững trong thời gian tới”, ông Phúc chia sẻ.
Nguồn: baodautu.vn/