(FDI Việt Nam) – Trước tình trạng quá tải trên cao tốc TP.HCM – Long Thành, VEC đề xuất mở rộng theo hình thức công trình khẩn cấp với 5 cơ chế đặc thù, dự kiến khởi công ngày 19/8/2025 nhằm rút ngắn tiến độ và đồng bộ hạ tầng với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tổng công ty công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương triển khai Dự án mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành theo công trình khẩn cấp.

Cơ chế đặc thù dự án cao tốc long thành
Nhanh chóng triển khai đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành theo công trình.

ÁP DỤNG 5 CƠ CHẾ ĐẶC THÙ ĐỂ SỚM KHỞI CÔNG DỰ ÁN CAO TỐC TP.HCM – LONG THÀNH 

Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành hiện đã đạt tình trạng quá tải nghiêm trọng với quy mô 4 làn xe, trong khi lưu lượng phương tiện ngày càng tăng mạnh kể từ khi tuyến đường này chính thức đưa vào khai thác.

Do đó, việc mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành trở nên cấp thiết và cần được ưu tiên để đảm bảo năng lực kết nối đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng tại Đồng Nai, góp phần phát triển hạ tầng giao thông khu vực.

Dự án mở rộng này có quy mô lớn và đối mặt với nhiều thách thức về kỹ thuật cũng như điều kiện thi công phức tạp. Cụ thể, có khoảng 10 km đoạn đường phải xử lý đất yếu, đòi hỏi tối thiểu 8 tháng thi công, cùng với đó là 12 km cầu cần được xây dựng hoặc cải tạo. Bên cạnh đó, dự án phải đảm bảo thi công liên tục mà không làm gián đoạn lưu thông trên tuyến cao tốc hiện đang khai thác.

Mặc dù vậy, nếu thực hiện theo quy trình đầu tư công thông thường, dự án phải trải qua ba bước gồm phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công cùng dự toán. Với quy trình này, dự kiến dự án sẽ khởi công vào ngày 1/1/2025, cơ bản hoàn thành vào tháng 12/2026, riêng cầu Long Thành dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 6/2027.

Tuy nhiên, nhằm đẩy nhanh tiến độ và hướng tới mốc khởi công vào ngày 19/8/2025 – nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9, Tổng công ty công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng hình thức công trình xây dựng khẩn cấp, đồng thời triển khai song song nhiều công việc.

Cơ chế đặc thù dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành
VEC đã kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng hình thức công trình xây dựng khẩn cấp đối với dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành.

Cụ thể, Tổng công ty công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đề xuất được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, cho phép VEC triển khai song song các thủ tục quan trọng như khảo sát, lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lựa chọn nhà thầu và thi công xây dựng cùng các công việc liên quan khác.

Bên cạnh đó, VEC kiến nghị tách riêng công tác giải phóng mặt bằng thành các dự án thành phần độc lập, giao cho UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm triển khai. Về nguồn vốn, VEC sẽ chủ động bố trí và thanh toán theo tiến độ cũng như nhu cầu thực tế từ phía các địa phương.

VEC cũng đề xuất các địa phương có dự án đi qua hỗ trợ xác định, thoả thuận vị trí bãi đổ thải, bãi tập kết vật liệu, bến tạm, vị trí lắp đặt tạm thời trạm trộn bê tông nhựa, bê tông xi măng và thủ tục cấp phép trong giai  đoạn thi công. Đặc biệt, quan tâm bố trí nguồn vật liệu, bảo đảm cung cấp đủ cho dự án trong giai đoạn triển khai thi công.

Ngoài ra, trong trường hợp phát sinh yếu tố bất khả kháng như thiếu hụt vật liệu, khó khăn giải phóng mặt bằng, thiên tai, dịch bệnh…, VEC kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đối với phần bị ảnh hưởng.

KHỞI CÔNG DỰ ÁN VÀO 19/8/2025 VÀ HOÀN THÀNH TRONG NĂM 2026

Nếu được chấp thuận thực hiện theo hình thức công trình xây dựng khẩn cấp và áp dụng các cơ chế đặc thù, dự án sẽ được miễn phê duyệt chủ trương đầu tư và có thể bỏ qua bước lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trong trường hợp này, VEC sẽ được phép triển khai ngay các công đoạn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm tra và thẩm định bởi các cơ quan chuyên môn để phê duyệt dự án.

Đồng thời, công tác giải phóng mặt bằng, cắm cọc và lựa chọn nhà thầu thi công sẽ được tiến hành song song với việc lập thiết kế bản vẽ thi công, giúp rút ngắn đáng kể thời gian thi công và đẩy nhanh tiến độ dự án.

Dự kiến tiến độ chi tiết được VEC nêu ra gồm hoàn thành phê duyệt dự án trong tháng 7/2025; phê duyệt bản vẽ thi công từng phần/hạng mục công trình từ ngày 8/8; lựa chọn nhà thầu thi công từ ngày 13/8 và chính thức khởi công vào ngày 19/8/2025.

Về tiến độ xây dựng từng đoạn, VEC cho biết đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến Vành đai 3 (Km4+000 – Km8+844,5) sẽ được mở rộng từ 4 làn lên 8 làn, thi công trong 13 tháng và hoàn thành vào tháng 9/2026.

Trong khi đó, đoạn từ Vành đai 3 đến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Km8+844,5 – Km25+920, không bao gồm cầu Long Thành) sẽ mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, thi công 14 tháng và hoàn thành tháng 10/2026.

Riêng trường hợp của cầu Long Thành thi công trong 20 tháng, hợp long cầu chính vào tháng 12/2026 và hoàn thành các hạng mục còn lại trong tháng 3/2027.

“Việc áp dụng cơ chế đặc thù sẽ giúp rút ngắn khoảng 2,5 tháng so với phương án thông thường, đảm bảo khởi công đúng mốc 19/8/2025 và cơ bản hoàn thành trong năm 2026”, đại diện VEC nhấn mạnh.

Liên quan đến đề xuất trên, ngày 16/5/2025, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 4279/VPCP-CN truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Theo đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp cùng Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 21/5/2025.

Nguồn: VN Economy

All in one