Theo MBS, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 2/2023 lên tới 74 nghìn tỷ đồng, con số cao nhất trong năm 2024. Sau đó, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm xuống 52 nghìn tỷ đồng trong quý 3 năm nay….

trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn ảm đạm.

Trong 3 tuần đầu tháng 3/2024, thị trường chỉ ghi nhận 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thuộc về Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2,5 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 18-36 tháng, lãi suất 9,8%-10%) và Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An (1,25 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 9,8%).

Tại báo cáo thị trường trái phiếu tháng 3, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết lũy kế từ đầu năm đến 21/3, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 14,8 nghìn tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền trong 3 tháng 2024 ước khoảng 10,7%, cao hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.

Từ đầu năm đến nay, bất động sản là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 6,4 nghìn tỷ, (cùng kỳ năm trước phát hành 24 nghìn tỷ đồng) chiếm tỷ trọng 43%, lãi suất bình quân gia quyền là 11,6%/năm, kỳ hạn bình quân 2,5 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2,5 nghìn tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup – CTCP (2 nghìn tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An (1, 2 nghìn tỷ đồng).

Xếp sau là nhóm ngành Xây dựng-Vật liệu xây dựng với tổng giá trị phát hành đạt 5,8 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ), tỷ trọng 40%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng vẫn là 10,6%/năm, kỳ hạn bình quân là 8,8 năm.

Anh man hinh 2024 03 26 luc 21.56.08
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công của các nhóm ngành từ đầu năm. Đơn vị: Nghìn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (2,8 nghìn tỷ đồng), Tổng CT Đầu tư và Phát triển công nghiệp (1,3 nghìn tỷ đồng) và Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận (1,2 nghìn tỷ đồng).

Hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục trầm lắng. Trong tháng 3, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 2.5 nghìn tỷ đồng, giảm 87% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 13,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 64% so với cùng kỳ.

MBS đánh giá áp lực đáo hạn trái phiếu từ nay đến hết năm vẫn rất lớn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Chính sách cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi trái phiếu lấy bất động sản hoặc sản phẩm khác, tiếp tục được nối dài sang năm 2024, giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt áp lực vào thời điểm đáo hạn.

Dù vậy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn khá lớn khi uớc khoảng 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được đáo hạn trong năm 2024, tăng 4% so với năm trước và con số này đã trừ đi các khoản trái phiếu mua lại; trong đó nhóm bất động sản và ngân hàng chiếm 58% và 8%.

Áp lực đáo hạn sẽ rơi vào lần lượt quý 2 với 74 nghìn tỷ đồng và quý 3 với 52 nghìn tỷ đồng. Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 193,6 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Trong đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.

Nguồn: vneconomy.vn

All in one